Người đóng góp cho blog

Lưu trữ Blog

23/5/16

Bốc hỏa với mì cay Naga tại Sài Gòn

 

Dù nắng nóng nhưng phần lớn quán mì cay ở TP HCM vẫn đông khách, đa số là bạn trẻ đến thử cảm giác cay xé miệng từ những tô mì dùng ớt Naga

Cùng các món ăn đường phố như xoài lắc, bánh tráng trộn, bánh mì nướng muối ớt…, mì cay 7 cấp độ của xứ sở kim chi đang được giới trẻ TP HCM ưa thích..

Tô mì cay nhìn rất hấp dẫn  có giá từ 39.000-59.000 đồng/tô

Ăn theo phong trào

Tại một quán mì cay trên đường Phạm Văn Đồng (quận Gò Vấp), khoảng 18 giờ đã chật kín khách. Mì cay ở đây có nhiều loại: kim chi đặc biệt, kim chi hải sản, thịt bò thập cẩm… có giá từ 39.000-59.000 đồng/tô. Anh Phương, một trong những đầu bếp của quán, cho biết vị cay của tô mì là từ bột ớt Naga rất cay nhập từ nước ngoài.

“Để phù hợp với khẩu vị người Việt, chúng tôi đã giảm độ cay rất nhiều so với ở Hàn Quốc. Ớt Naga cay xé miệng nhưng không hăng, hắc như các loại ớt thông thường nên được thực khách ưa chuộng. Cay nhẹ nhất là cấp độ 0 - 0,5 và cao nhất là 7. Thực khách thường gọi cấp độ 1-3. Những người ăn cay giỏi cũng dừng ở cấp độ 5, chưa ai dám thử cấp độ 7” - anh Phương cho biết.

Mì cay đang hấp dẫn nhiều bạn trẻ

Bạn Trần Văn Lượm (sinh viên, quê Lâm Đồng), đi cùng nhóm bạn đến thử độ cay của mì, bộc bạch: “Tôi là người ăn cay nhưng mới thử cấp độ 3 đã thấy tê lưỡi, nóng cháy môi, họng. Càng ăn càng thấy cay, nóng đến tai, xé lưỡi rồi tức ngực. Vừa ăn vừa phải uống nước lạnh mới chịu nổi”.

Như mọi khi, hơn 20 giờ, bãi giữ xe của quán mì cay trên đường Hàn Thuyên (quận Thủ Đức) đã chật kín. Thực khách phải chờ hơn 30 phút mới có bàn trống. Tại đây, nhiều bạn trẻ thách đố nhau khả năng chịu cay, ai thua sẽ thanh toán toàn bộ khiến quán càng thêm ồn ào.

Chị Phan Kim Oanh (ngụ quận 9) bày tỏ: “Tôi được bạn bè gọi là cao thủ ăn cay nhưng chỉ dám thử ở cấp độ 4. Mì nóng, nước cay cộng với thời tiết oi bức nên người ăn dễ bị khó thở, tức ngực”.

Một nhân viên của quán này cho biết vị cay của ớt Naga Viper hay Carolina Reaper khiến người ăn dễ bị sặc nên cẩn thận. Ngoài nước lạnh, khách thường gọi thêm sữa để uống giảm cay.

Theo anh D. - chủ quán Mây - Mì cay Hàn Quốc trên đường Tô Vĩnh Diện, quận Thủ Đức - khách hàng chủ yếu là học sinh, sinh viên và giới văn phòng. Họ ăn theo phong trào là chính. Một ngày quán anh bán được khoảng 400 tô với giá 35.000 đồng/tô.

Không nên ăn quá cay

Bác sĩ Trần Văn Ký, Văn phòng phía Nam Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm, cho biết khi ăn cay, cơ thể có cảm giác nóng lên, sau đó toát mồ hôi. Ớt chứa nhiều vitamin, khoáng chất, capsaicin… kích thích ăn ngon, tăng sức đề kháng, chống ôxy hóa… “Những món cay, ấm nóng phù hợp với xứ lạnh. Nếu ăn cay quá mức chịu đựng của cơ thể với mật độ dày có thể bị ngộ độc” - bác sĩ Ký khuyến cáo.

BS Lê Thị Thu Hà, Trưởng Khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Quân y 175, cho rằng ớt giúp tăng độ ấm cho cơ thể, kích thích tim mạch. “Những người viêm loét dạ dày và tá tràng không nên ăn cay. Khi ăn quá cay, cơ thể nóng lên, có cảm giác bồn chồn, nôn ói, tiêu chảy. Đó là cơ chế phản ứng tự bảo vệ của cơ thể để đưa độc tố ra ngoài” - BS Hà phân tích.

Suýt nhập viện

Trên các trang mạng xã hội, nhiều người đăng tải hình ảnh thử thách những tô mì cay với nhiều cấp độ khác nhau. Mới đây, trên YouTube có clip một nam thanh niên suýt nhập viện vì thử ăn mì cay cấp độ 7.

Anh Phương cho biết: “Quán tôi đang treo thưởng, khách hàng vượt cấp độ 6 được nhận 1 triệu đồng và đạt cấp độ 7 là 1,5 triệu đồng. Tuy nhiên, chưa ai giành được những giải thưởng này”.

Nguồn: nld.com.vn

0 on: "Bốc hỏa với mì cay Naga tại Sài Gòn"