20/4/17

Cát tặc hoành hành vì nguồn lợi cực lớn

 

Lực lượng giám sát mỏng, cơ chế chồng chéo, thiếu sự phối hợp và có tới hơn 10.000km đường sông có thể khai thác vận tải vẫn đang “ngoài vòng” quản lý được nhận định là những nguyên nhân chính khiến cát tặc đã và đang hoành hành tại nhiều địa phương.

Để làm rõ những vấn đề còn đang tồn tại trong việc quản lý hệ thống giao thông đường thuỷ  trên cả nước, Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn ông Hoàng Hồng Giang - Cục trưởng Cục Đường thuỷ Nội địa Việt Nam. Ông Giang cho biết:
- Theo tôi, để đánh giá một cách tổng thể trước hết cần phải định nghĩa thế nào là cát tặc. Tại Việt Nam, hoạt động khai thác cát đang có 3 dạng từ các mỏ cát, các dự án nạo vét tận thu và hoạt động khai thác trộm hay còn gọi là cát tặc. Hoạt động của cát tặc về cơ bản gồm khai thác không có giấy phép và các dự án nạo vét tận thu có giấy phép nhưng làm quá phần được phép, khai thác ngoài phạm vi mỏ không được phép. Tuy nhiên, tới nay, tất cả các dự án nạo vét tận thu đều đã phải ngừng hoặc tạm ngừng. Do đó, mọi hoạt động khai thác, nạo hút cát mạo danh nạo vét tận thu từ lòng sông hiện nay đều là trái phép.
Hoạt động khai thác cát trái phép mang lại nguồn lợi rất lớn lại khó kiểm soát nên đã và đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, gây bức xúc lớn cho người dân.
Theo ông tại sao việc kiểm soát, ngăn chặn cát tặc lại gặp nhiều khó khăn?
- Có nhiều nguyên nhân khiến việc ngăn chặn cát tặc còn hạn chế như lực lượng giám sát mỏng, cơ chế quản lý chồng chéo, thiếu sự phối hợp khi các cấp các ngành vào cuộc chưa đồng bộ tạo kẽ hở cho cát tặc lợi dụng. Ở Việt Nam, có tổng cộng khoảng 80.000km đường sông, trong đó, hơn 40.000km có thể khai thác vận tải. Tuy nhiên, lực lượng giám sát đường thuỷ chỉ gồm CSGT thuỷ (với khoảng 1.000 chiến sĩ) và thanh tra đường thuỷ (với gần 90 người).
Cục ĐTNĐ có trách nhiệm giám sát 7.000km tuyến ĐTNĐ quốc gia, còn các địa phương trên cả nước giám sát khoảng 23.000km. Như vậy còn tới 10.000km đường sông chưa được đưa vào quản lý thường xuyên. Lực lượng thanh tra của Cục mỏng, hoạt động có phần đơn độc và quyền hạn chức năng có nhiều hạn chế.
Cục không có thanh tra chuyên trách mà đều là công chức kiêm nhiệm thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Bên cạnh đó, theo quy định, việc thanh tra phải có kế hoạch, chứ không được thanh tra đột xuất. Do đó, về lý thuyết, ngành đường thuỷ nội địa chịu trách nhiệm quản lý đường sông nhưng thực chất thẩm quyền không hết, nếu có phát hiện tàu chở cát lậu cũng không dừng được mà phải đến bến nào đó mới phạt được và mức phạt không cao, thẩm quyền cục trưởng cũng chỉ được phạt tối đa 75 triệu đồng đối với cá nhân vi phạm, 150 triệu đồng đối với tổ chức nên nhiều DN cố tình chấp nhận phạt để vi phạm.
Nói như vậy thì vai trò của các thanh tra đường thuỷ ở đâu trong cuộc chiến cát tặc?
- Một tuyến đường thuỷ cấp 1 có chiều rộng 80m với 2 hành lang mỗi bên rộng 25m. Phần từ hành lang đến bờ sông thuộc quản lý của địa phương và các ngành khác. Về chiều sâu là câu chuyện của ngành thuỷ lợi. Còn chúng tôi quản lý luồng tàu và các vấn đề liên quan tới ATGT thuỷ, kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ. Tôi cho rằng, ở đây đang có bất cập trong quản lý do chồng chéo nên không hiệu quả.
Chúng tôi không né tránh trách nhiệm và vẫn đang xử lý nghiêm trong nội bộ nhưng để chống cát tặc, một mình ngành đường thuỷ vào cuộc không làm được. Thanh tra đường thuỷ dù không thể bắt cát tặc thì vẫn phải có trách nhiệm bám sát thực tế và báo cáo tình hình để phối hợp với các lực lượng chức năng khác để cùng ngăn chặn.
Trong vụ việc ở tỉnh Bắc Ninh mới đây, Cục đã yêu cầu các thanh tra khu vực đó phải kiểm điểm trách nhiệm và Cục đã làm việc với tỉnh Bắc Ninh và các cơ quan truyền thông để chính thức xác nhận xem có hay không chuyện mấy chục tàu hút cát hàng đêm, nếu có Cục sẽ xử lý các thanh tra liên quan, vì rõ ràng anh quản lý ở đó mà không nắm được, không bắt được cát tặc thì cũng phải nắm được thông tin.
Cát tặc hoành hành vì nguồn lợi cực lớn ảnh 1
Vì lợi nhuận cao, nên “cát tặc” vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương. Ảnh: P.V
Vậy trách nhiệm của Cục thế nào với các dự án nạo vét tận thu gây bức xúc trong thời gian qua, thưa ông?
- Xác định các dự án nạp vét tận thu là phức tạp nên từ 2015 đến nay chúng tôi đã chấm dứt hợp hợp đồng với 38 dự án trong tổng số 66 dự án còn lại 15 dự án thì mới đây cũng đã dừng nốt. Kiểm tra thực tế cho thấy, những dự án này còn nhiều bất cập, chủ đầu tư chưa tuân thủ nên phải tạm dừng hoặc dừng hẳn để khắc phục tất cả các bất cập và Cục cũng đang rà soát lại trách nhiệm của các cán bộ liên quan.
Theo ông, giải pháp nào là lâu dài và vững chắc để giải quyết nạn cát tặc?
- Để ngăn chặn cát tặc, tôi cho rằng phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp các ngành liên quan. Cục đã đề xuất Chính phủ xây nghị định quản lý các hoạt động nạo vét trên sông trong đó phân vai rất rõ ai quản lý gì, khi xảy ra vi phạm xử lý thế nào và chủ động xây quy chế phối hợp với tỉnh, địa phương, giao cho tỉnh quản lý các dự án nạo vét và các tỉnh khi cấp phép khai thác các mỏ phải kết hợp với Cục. Theo tôi, hiện việc khai thác các mỏ ở các tỉnh vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ vì mỏ cát trên sông không nằm trùng luồng đường thuỷ quốc gia nhưng lại ảnh hưởng rất lớn tới thuỷ văn, môi trường, dòng chảy và ổn định của luồng tàu cũng như kết cấu hạ tầng giao thông đường thuỷ.
Bất kỳ hoạt động nào đem máy móc thi công đọng tới lòng sông là phải được cơ quan quản lý có thẩm quyền cho phép và các cơ quan liên quan đánh giá kỹ lưỡng. Việc khai thác cát, tài nguyên ở lòng sông nước khác cũng làm nhưng có kế hoạch quản lý cụ thể, còn ở Việt Nam đang làm rời rạc, thiếu đánh giá tổng thể.
Các ngành cần liên thông thông tin với nhau, quá trình quản lý cũng liên thông thì mới hiệu quả. Cục Đường thuỷ hiện đã xây dựng một phần mềm để người dân, tổ chức có thể gửi các phản ánh về tình trạng khai thác cát, vi phạm đường thuỷ cho cơ quan quản lý từ đó xử lý hiệu quả hơn các vi phạm cũng như ngăn chặn cát tặc tốt hơn. Cục cũng đang phối hợp với Viettel thí điểm lắp đặt camera giám sát các khu vực sông có tiềm ẩn khai thác trái phép để tăng cường giám sát.
Xin cảm ơn ông!
KHÁNH HÒA thực hiện
* Mới đây, chiều 17.4.2017, phát biểu tại hội nghị tổng kết phòng, chống thiên tai năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017, Phó Thủ tướng - Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn Trịnh Đình Dũng thẳng thắn: Việc khai thác cát ở các lòng sông tác động nghiêm trọng khi xảy ra thiên tai. K.K
* Giá cát tăng mạnh: Theo một số đại lý chuyên buôn bán vật liệu xây dựng, kể từ đầu tháng 4, giá cát xây dựng tăng mạnh do các cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát quyết liệt các hoạt động khai thác cát khiến nguồn cung cho thị trường sụt giảm. Đáng chú ý, kể từ khi Chính phủ kiên quyết chống nạn “cát tặc”, giá cát bị đẩy lên chóng mặt. Tại cửa hàng chuyên doanh vật liệu xây dựng Đãng Thu (Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội), giá cát có sự điều chỉnh tăng đáng kể. Cụ thể, nếu chở bằng xe ba gác thì giá cát đen là 120.000 đồng/xe, cát vàng sàng 210.000 đồng/xe, cát vàng thô 200.000 đồng/xe. Ông Nguyễn Thiềng - cai thầu xây dựng một dự án nhà ở tại Cầu Giấy (Hà Nội) - cho biết, từ tết đến nay, giá cát vàng tăng đột biến, nếu như trước tết giá cát vàng là 330.000 đồng/m3 thì nay đã lên tới 380.000 - 400.000 đồng/m3. K.LINH

0 on: "Cát tặc hoành hành vì nguồn lợi cực lớn"