9/10/16

Điều gì khiến iPhone 7 trở nên đặc biệt?

- Không có nhận xét nào
Mặc dù không có đột phá trong thiết kế nhưng bộ đôi iPhone 7 và 7 Plus mới thực sự khiến người dùng hào hứng với những nét đặc biệt của nó.


Cải tiến lớn ở camera

Thời gian qua, trong khi các nhà sản xuất smartphone như Samsung, HTC, LG hay các hãng Trung Quốc luôn tìm cách nâng cấp thông số và phần mềm xử lý cho chức năng chụp ảnh trên sản phẩm của mình, thì Apple lại có hướng đi khác. Đó là tập trung vào việc mang lại trải nghiệm tốt hơn, như cách chụp, tính dễ sử dụng, chất lượng ảnh/video thực tế… cho người dùng. Sau nhiều năm gây thất vọng với camera hầu như không có gì đột phá, thì ở iPhone 7/7 Plus, Apple đã thổi một luồng gió mới vào chức năng chụp ảnh.
Cấu tạo camera có ống kính 6 thành phần của iPhone 7/7 Plus.

Nói một cách công bằng thì thông số camera của iPhone mới không là gì nếu so với số “chấm” megapixel - 12 megapixel là mức mà trước đó dòng iPhone 6s/6s Plus sở hữu. Con số 12 megapixel cũng không đáng kể nếu so với một số dòng smartphone chụp ảnh từ các nhà sản xuất khác lên đến trên 20 megapixel. Tuy nhiên, những công nghệ mà Apple tích hợp vào khả năng chụp ảnh được xem là bước cải tiến lớn nhất từ trước đến nay của hãng. Bên cạnh khả năng chống rung quang học (OIS) trên cả hai phiên bản iPhone 7 và 7 Plus (trước đây tính năng này chỉ có trên dòng Plus) thì camera của dòng smartphone mới được trang bị ống kính 6 thành phần (six-element lens), khẩu độ đạt f/1.8. Ngoài ra, cảm biến mà Apple trang bị cho mẫu điện thoại mới thuộc loại cao cấp có tốc độ cao, 4 đèn flash LED True Tone giúp việc chụp đêm rõ ràng và có màu sắc trung thực hơn. 

Chức năng chụp Portrait trên iPhone 7 Plus.

Riêng với dòng iPhone 7 Plus thì Apple bổ sung thêm chức năng zoom quang học 2X nhờ thiết kế camera kép (dual-camera). Kiểu camera kép này thực sự không mới, vì trước đó HTC hay một vài hãng khác đã áp dụng cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, Apple nổi tiếng với việc “làm đến nơi đến chốn”, biết cách tận dụng tài nguyên phần cứng và khả năng phần mềm để mang lại trải nghiệm hiệu quả cho người dùng. Với những gì mà Apple đang làm trong việc tăng chất lượng ảnh chụp chân dung, ảnh xóa phông trên iPhone 7 Plus trong bản cập nhật iOS mới thì có thể thấy đây là mối đe dọa lớn đối với dòng máy ảnh DSLR.

Nút Home dùng cơ chế "Taptic Engine"
Việc loại bỏ nút Home cơ truyền thống vốn dễ bị hỏng, thay vào đó là nút Home dùng công nghệ cảm ứng lực nhấn đã giúp cho chúng ta thấy được tương lai rộng mở của sự đa dạng trong tương tác người dùng trên iPhone.
Nếu nút Home cơ chỉ có duy nhất một tính năng thì công nghệ cảm ứng lực nhấn với cơ chế Taptic Engine nổi tiếng trên Apple Watch hay trackpad của MacBook 12 inch trên nút Home mới giúp cho một cú nhấn có thể làm được nhiều tác vụ hơn.
Nút Home “Taptic Engine” sẽ giải quyết triệt để vấn đề bị liệt cơ của nút Home truyền thống.
Như vậy, nếu với những smartphone đối thủ hiện nay nút Home chỉ có thể được sử dụng để nhấn đơn chức năng hay cao hơn là hỗ trợ quét vân tay thì iPhone 7/7 Plus có thể làm được nhiều thứ hơn và trong tương lai nút Home này sẽ còn được bổ sung thêm nhiều chức năng khác. 
Cấu hình cho hiệu năng cao
Nếu các hãng sản xuất smartphone Android đua nhau về số nhân CPU, GPU, bộ nhớ RAM “khủng” thì Apple lại hoàn toàn khác. Có thể nói, trên từng sản phẩm mới, Apple luôn có cách trang bị cấu hình tối ưu nhất để mang lại hiệu năng sử dụng cao nhất.
Trên iPhone 7/7 Plus, Apple trang bị chip SoC Apple A10 Fusion với 4 nhân CPU. Về lý thuyết, iPhone mới sẽ có hiệu năng cao hơn 40% so với dòng iPhone 6s/6s Plus. Về khả năng xử lý đồ họa, nhờ 6 nhân GPU tích hợp trong A10 mà hiệu năng xử lý đồ họa cũng cao hơn 50% so với hiệu năng của Apple A9 trước đó. Điểm số benchmark thực tế đã chứng minh cho điều này, công cụ GeekBench ghi nhận iPhone 7 Plus có điểm số hiệu năng xử lý cao hơn cả dòng iPad Pro 12,9 inch.
Hiệu năng cao nhưng không đồng nghĩa với việc tiêu hao nhiều năng lượng.  Apple cho biết hai dòng iPhone 7 mới cũng mang lại được thời lượng dùng pin cao hơn từ 1 đến 2 tiếng so với iPhone 6s/6s Plus nhờ những cải tiến về quản lý năng lượng.
Điểm số đo hiệu năng với công cụ GeekBench trên iPhone 7 Plus.
Khả năng chống nước và âm thanh nổi
So với Sony, Samsung hay Motorola thì chức năng chống nước trên iPhone hiện tại không có gì lạ. Tuy nhiên, việc trang bị chức năng này giúp cho người dùng an tâm hơn trong sử dụng và không lo ngại việc hỏng hóc do nước hay bụi bẩn nữa.
Riêng với khả năng phát âm thanh nổi với hai cụm loa ở cạnh dưới và trên màn hình cũng là điểm đặc biệt giúp cho iPhone 7/7 Plus ấn tượng hơn, nhất là đối với người dùng yêu thích giải trí, chơi game.
Chống nước giúp iPhone mới được lòng người dùng hơn mặc dù tính năng này không mới.
Loại bỏ ngõ cắm tai nghe 3,5 mm
Có thể nói, iPhone 7/7 Plus là bộ đôi smartphone cao cấp duy nhất không có ngõ cắm tai nghe 3,5 mm tính đến thời điểm hiện tại. Điều này tạo nên sự khác biệt? 
Nhiều vấn đề rắc rối sẽ nảy sinh khi một smartphone cao cấp lại không có ngõ cắm tai nghe phổ biến này. Chẳng hạn như thật bất tiện khi đi đâu cũng mang theo bộ chuyển Lightning sang 3,5mm, tốn thêm chi phí mua tai nghe không dây AirPod… Tuy nhiên, quyết định bỏ đi ngõ tai nghe “huyền thoại” này có thể sẽ khởi đầu cho một cuộc đua về trải nghiệm nhạc số trên di động. Theo Phil Schiller - Phó chủ tịch cấp cao của Apple đã đưa ra 3 lý do chính của việc loại bỏ ngõ 3,5mm. Đó là Lightning là một chuẩn kỹ thuật số mới giúp cho ngõ cắm tai nghe làm được nhiều việc hơn. Apple tin vào tương lai của tai nghe không dây và tổng thể thiết kế của iPhone 7 không có chỗ cho ngõ cắm tai nghe 3,5mm
iPhone 7/7 Plus là smartphone cao cấp duy nhất không có khe cắm tai nghe 3,5mm.

Nguồn: PCworld

Làm theo những điều này, không ai có thể ngó trộm màn hình khóa iPhone của bạn

- Không có nhận xét nào

Với những thủ thuật này trên iOS 10, màn hình khóa của bạn sẽ an toàn tuyệt đối.


Ngoài một số tính năng được cải tiến, iOS 10 còn đem đến giao diện màn hình khóa hoàn toàn mới, theo đó bạn có thể xem được tin nhắn, trả lời tin nhắn trực tiếp từ đó, xem thông tin từ các widget... Tuy nhiên, đối với một số người đây lại là tính năng không cần thiết hoặc có thể đem lại phiền phức nếu không cẩn thận.
Làm theo những điều này, không ai có thể ngó trộm màn hình khóa iPhone của bạn - Ảnh 1.
Thử tưởng tượng xem, nếu điện thoại lỡ báo tin nhắn của người yêu mà lũ bạn phá phách tình cờ nhìn trộm được, lại còn lén lút đợi mình sơ hở rồi trả lời tin nhắn ngay để troll thì tai họa khủng khiếp đến dường nào. Vì thế, hãy làm theo những bước sau để những kẻ tò mò không ngó trộm màn hình khóa iPhone bạn nữa:
1. Ẩn các thông báo trên màn hình khóa
iPhone cho phép bạn thay đổi cách hiển thị thông báo của từng ứng dụng, nếu không thích hiển thị thông báo có tin nhắn mới, hãy vào Settings > Notifications, sau đó chọn Messages và tắt mụcShow on Lock Screen đi.
Làm theo những điều này, không ai có thể ngó trộm màn hình khóa iPhone của bạn - Ảnh 2.
Tắt Show on Lock Screen.
Cách làm này cũng có thể áp dụng với các ứng dụng khác như Facebook Messenger hay Viber...
2. Ẩn nội dung tin nhắn trên màn hình khóa
Làm theo những điều này, không ai có thể ngó trộm màn hình khóa iPhone của bạn - Ảnh 3.
Nội dung tin nhắn sẽ được ẩn đi.
Nếu bạn vẫn muốn điện thoại thông báo có tin nhắn tới, nhưng không cho phép hiển thị nội dung bên trong tin nhắn lên màn hình khóa, hãy vào Settings > Notifications, chọn Messages.
Tại đây bạn vẫn giữ Show on Lock Screen được bật lên để điện thoại vẫn báo tin nhắn tới, nhưng mục Show Preview hãy tắt nó đi. Thế là xong, giờ đây màn hình khóa chỉ báo cho bạn biết có tin nhắn mới mà thôi, còn nội dung muốn xem thì phải mở khóa bằng mã hoặc vân tay thì mới xem được.
Làm theo những điều này, không ai có thể ngó trộm màn hình khóa iPhone của bạn - Ảnh 4.
Tắt Show Previews đi là xong ngay!
Cũng giống với cách đầu tiên, bạn có thể áp dụng cách thiết lập này cho các ứng dụng nhắn tin khác.
3. Tắt tính năng trả lời tin nhắn từ màn hình khóa
Như tôi đã đề cập ở trên, cho phép trả lời tin nhắn trực tiếp từ màn hình khóa là thảm họa, đặc biệt nếu xung quanh đang có những đứa bạn hay thích phá phách. Vậy nên tốt nhất là hãy tắt nó đi.
Vào Settings > Touch ID and Passcode, sau đó tắt tính năng Reply with Message đi.
Làm theo những điều này, không ai có thể ngó trộm màn hình khóa iPhone của bạn - Ảnh 5.
Tắt thứ này đi, mấy đứa bạn sẽ không còn dịp phá phách nữa.
4. Ẩn hết mọi thứ từ màn hình khóa
Nếu không thích để bất cứ thứ gì trên màn hình khóa, ngay cả Siri, widget, notifications... tốt nhất bạn nên vào phần Touch ID and Passcode mà tôi đề cập ở cách trên rồi lần lượt tắt hết mọi thứ trong mục Allow Access When Locked. Bảo đảm sau thiết lập này, màn hình khóa của bạn sẽ được bảo mật tuyệt đối và chẳng còn ai có thể tò mò nhìn trộm nữa.
Làm theo những điều này, không ai có thể ngó trộm màn hình khóa iPhone của bạn - Ảnh 6.
Tắt hết đi, chẳng ai còn nhìn trộm được màn hình khóa nữa!
(Tổng hợp)

Samsung, hãy giết chết Note 7

- Không có nhận xét nào
Note 7 đang mang lại nhiều điều tiếng hơn lợi ích cho Samsung. Tên tuổi này nên sớm khai tử nó vì lợi ích lâu dài


Có vẻ 2016 chứng kiến mùa thu buồn nhất của Samsung. Hàng triệu khách hàng tiềm năng bỗng dưng biến mất khi lỗi nghiêm trọng trên phần cứng khiến họ phải thu hồi toàn bộ siêu phẩm Galaxy Note 7.

Lời đồn râm ran từ tháng 8, kéo dài đến tháng 9 khi Samsung lên tiếng. Một tuần tháng 10 trôi qua, vụ việc vẫn chưa lắng xuống.

Đã đến lúc Samsung chấp nhận thất bại với thiết bị lỗi và chuẩn bị bước tiếp theo, The Verge nhận định. Họ nên dứt khoát với vận mệnh không tốt đẹp của Note 7 và cố gắng hoàn thiện những sản phẩm khác của mình.

Samsung không chịu hiểu một vấn đề đơn giản: Công nghệ hiện đại quá hoàn hảo, nên mọi thất bại sẽ đều được nhớ đến và mang ra chế giễu. iPhone 4 có Antennagate, iPhone 6 có Bendgate và giờ là chiếc Note "nổ".

Note 7 bị gắn với scandal, và điều đó không tốt cho Samsung. Ảnh: The Verge.

Họ cần minh chứng rằng sức mạnh và độ chín thương hiệu của mình là đủ để đứng ngang hàng với Apple. Tuy nhiên, công ty Hàn Quốc đang làm điều ngược lại: Họ khiến mọi sự chú ý tiêu cực dồn vào sản phẩm hoàn hảo nhất của mình.

Trong chương trình The Late Show with Stephen Colbert gần đây, ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng Samsung đang quá rối rắm trong việc xử lý vấn đề Note 7. Ban đầu, họ dứt khoát thu hồi Note 7 toàn cầu nhưng sau đó phát hiện đang làm sai quy trình pháp luật, làm người dùng hoang mang.

Sau đó, họ tung ra phần mềm chỉ cho sạc pin 60-80%. Khi tin rằng mình đã kiểm soát được tình hình, họ bắt đầu đổi trả Note 7. Sau đó một chiếc Note 7 mới tiếp tục bắt lửa trên máy bay hãng Southwest.

Không cần một chuyên gia PR để biết vấn đề này ảnh hưởng sâu rộng đến Samsung. Cũng không cần một nhà marketing đại tài để biết rằng việc thiết bị bị cảnh báo ở sân bay khắp năm châu sẽ ảnh hưởng lớn đến doanh số tương lai.

Khi Apple gặp những vấn đề tương tự nhưng ít nghiêm trọng hơn, họ đơn giản là dập tắt chúng. Vụ Antennagate được giải quyết bằng ốp lưng miễn phí. Âm thầm tăng độ bền iPhone 6 là quá đủ để chìm xuồng vụ Bendgate.

Thay vì vạch ra con đường rõ ràng cho vấn đề này, Samsung đã làm rối các giải pháp. Họ không thống nhất chiến lược toàn cầu, không tạo ra ranh giới rõ ràng và quyết đoán giữa các sản phẩm "lỗi" và "tốt".

Tình huống của Note 7 khiến giá trị bán lại của sản phẩm gần như bằng 0, kể cả với các thiết bị đổi trả được cho là "an toàn". Chỉ cần còn tồn tại, bất kỳ vấn đề nào xảy ra với thiết bị này sẽ khiến vụ việc nổi lên và ảnh hưởng tới Samsung nghiêm trọng hơn nữa.

Họ nên tập trung vào tương lai hơn là níu kéo Note 7. Ảnh: The Verge.

Pin lỗi và nổ là chuyện không hiếm gặp, nhưng sự cố với Note 7 khiến lỗi này giờ đã gắn với cái tên Samsung. Đây không còn là chuyện của một sản phẩm nữa.

Samsung cần cân nhắc tên tuổi thương hiệu về lâu dài và đặt nó trên lợi ích ngắn hạn từ doanh số của Note 7.

Báo cáo doanh thu quý III/2016 của họ đang có vẻ thuận lợi, kể cả khi Note 7 gần như không đóng góp gì. Do đó, họ nên kết thúc thảm họa, chấp nhận thất bại, và dùng khoảng thời gian trống để đầu tư cho sản phẩm tiếp theo.

Galaxy S8 có thể tiếp tục dẫn đầu thị trường về cả thiết kế, công nghệ lẫn hoàn thiện. Nhưng để làm thế, Samsung cần ngưng mở rộng cái bóng sạm đen của Note 7.

Nguồn: news.zing

Facebook là bạn hay kẻ thù của báo chí trong chiến lược phát triển?

- Không có nhận xét nào

Sự gia tăng của mạng di động và mạng xã hội đã và đang buộc các nhà xuất bản tin tức truyền thông định nghĩa và sáng tạo lại hoạt động kinh doanh của họ. 

Facebook và các nền tảng kỹ thuật số khác đặt ra cho họ cả những cơ hội cũng như các thách thức. Mặc dù không có một công thức duy nhất cho sự thành công, nhưng có những chiến lược có thể dẫn đến thành công.

Với 1,7 tỷ người sử dụng hằng tháng trên toàn thế giới, Facebook đã trở thành tờ báo lớn nhất, hay nói cách khác là nguồn tin lớn nhất. 

Theo Viện Reuters về Nghiên cứu báo chí tại Đại học Oxford, 44% số người được khảo sát cho biết họ dùng Facebook để xem tin tức.

Tổng cộng, các nền tảng thuộc sở hữu của Facebook - bao gồm Instagram, Messenger và WhatsApp - chiếm 86% lượng ngươi dùng Internet từ 16 đến 64 tuổi tại 33 quốc gia được GlobalWebIndex khảo sát.

Mạng xã hội đã thống trị lượng thời gian trực tuyến: trung bình người dùng tương tác với Facebook và các nền tảng khác trong 1 tiếng 51 phút mỗi ngày. Người dùng ở một số quốc gia khác còn dành nhiều thời gian cho mạng xã hội hơn nữa. Ví dụ, ở Brazil, thời gian dành cho mạng xã hội mỗi ngày là 3 tiếng 37 phút, nhiều hơn thời gian xem ti vi là 1 tiếng.

Trong khi Facebook đã trở thành động lực chính cho lưu lượng truy cập và giao tiếp kỹ thuật số với các nhà xuất bản tin tức từ năm ngoái, mạng xã hội này cũng trở thành đối thủ của các nhà xuất bản trong cuộc đua doanh thu quảng cáo. 

Theo Cục quảng cáo trên Internet, năm 2015, Google và Facebook đã chiếm 64% thị trường quảng cáo kỹ thuật số giàu có nhất nước Mỹ với giá trị 59.6 tỉ USD. Trong quý đầu tiên của năm 2016, cứ mỗi 1 USD dành cho quảng cáo kỹ thuật số lại có 85 cent được đổ vào túi hai công ty này.

Những thay đổi lớn về hành vi người tiêu dùng và không gian quảng cáo đã tạo ra một làn sóng mới phá vỡ truyền thông tin tức và các chiến lược chuyển đổi kỹ thuật số của họ.

Tờ The Guardian của Anh, một trong những tờ báo kỹ thuật số xuất sắc nhất hiện nay, đã mạnh mẽ mở rộng ra toàn thế giới trong những năm gần đây và đặt cược vào khả năng kiếm tiền nhờ quảng cáo với tầm vươn rộng lớn này. Tuy nhiên, chiến lược này đã thất bại trong việc mang lại doanh thu. 

Cựu biên tập viên Alan Rusbridger cho biết dự đoán của The Guardian không bao giờ trở thành hiện thực vì "mọi doanh thu đều rơi vào túi của Facebook."
Đánh giá các chiến lược phân phối nội dung
Những người điều hành các nhà xuất bản tin tức trên toàn thế giới đều đang vật lộn với câu trả lời cho câu hỏi rằng Facebook là bạn, là thù, hay là cả hai.

Tôi cũng đã phải vật lộn như vậy với tư cách một biên tập viên tin tức kiêm trưởng nhóm phát triển sản phẩm mới tại Gazeta Wyborcza, tờ báo hàng đầu của Ba Lan, cho tới năm 2015. 

Kể từ năm ngoái, tôi đã tìm hiểu sự nổi lên của các nền tảng và tác động của chúng lên ngành công nghiệp truyền thông tại Đại học Harvard ở Mỹ, đầu tiên với tư cách là thành viên của hội Nieman, và bây giờ là một nhà nghiên cứu thuộc Trường Kinh doanh Harvard. 

Tôi đã có 2 bài báo cáo về chủ đề này với Hiệp hội Truyền thông tin tức Quốc tế: báo cáo mới nhất tập trung vào mối quan hệ phức tạp giữa Facebook và truyền thông.


Khi nghiên cứu các thương hiệu tin tức trên toàn thế giới, tôi đã phát triển một khung cơ bản về 3 chiến lược chung hướng tới các nền tảng mạng xã hội, phân biệt bởi mục tiêu của công ty và mô hình kinh doanh kỹ thuật số của họ:

1. Chiến lược kênh phổ thông ưu tiên phát triển mạnh mẽ tiêu thụ nội dung bằng cách phân phối các nội dung tin tức vượt khỏi đặc tính của nhà xuất bản.

Đây có thể là một chiến lược khả thi cho các nhà xuất bản không thực sự cần kiếm tiền từ lưu lượng truy cập qua quảng cáo, ví dụ như các đài truyền hình công cộng hay thuộc sở hữu chính phủ được tài trợ bởi phí bản quyền, thuế hay quyên góp như BBC hay Al-Jazeera; các tổ chức phi lợi nhuận thu hút sự chú ý của công chúng bằng các nội dung tin tức như Hòa Bình Xanh, chuyên về vận động và giáo dục môi trường; hoặc các thương hiệu xây dựng các tòa soạn riêng như Red Bull, một thương hiệu nước uống tăng lực kiêm nhà cung cấp tin tức văn hóa thể thao hàng đầu nước Áo.

Chiến lược này cũng có thể có hiệu quả với các nhà xuất bản tin tức nhìn ra được những cơ hội lớn trong việc mở rộng tầm với khỏi khán giả nhà của mình, ví dụ như những nhà xuất bản nhắm vào đối tượng khán giả trẻ và/hoặc trên toàn cầu. Một số nhà xuất bản không cần kiếm tiền từ lưu lượng truy cập trong ngắn hạn, vì họ kiếm hầu hết tiền từ những nguồn khác, chẳng hạn như CNN thu lợi từ truyền hình cáp.

Nhiều cái tên bản địa lại đang tận hưởng việc tiếp cận nguồn vốn giá rẻ từ bên ngoài tài trợ sự phát triển của họ, chẳng hạn như BuzzFeed hay Vice, những hãng tin có hàng nghìn độc giả; nước đi cuối của họ có thể chỉ là mở rộng quy mô hết mức có thể, rồi một ngày nào đó bán công ty đi.

Những nhà xuất bản đã xây dựng được các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử ở mức độ tương đối có thể rất tích cực trong việc phân phối các nội dung thông tin bởi họ về cơ bản dùng tin tức để thu hút lượng truy cập sau đó đưa lượng người dùng này đến trang của họ.

2. Chiến lược mối quan hệ ưu tiên kiểm soát cơ sở khách hàng hơn sự tăng trưởng

Có rất nhiều nhà xuất bản muốn bảo vệ mối quan hệ trực tiếp với người dùng của họ, muốn thu thập dữ liệu tốt hơn những thông tin đầu thừa đuôi thẹo mà các nền tảng sẻ chia, hoặc thu phí đọc nội dung tin tức - vì thế họ coi các nền tảng chủ yếu như các kênh tiếp thị nội dung.

Các nhà xuất bản như The Wall Street Journal hay The New York Times đã xây dựng được lượng độc giả đăng ký theo dõi rất lớn và không muốn phá hủy nguồn thu này bằng cách cho đi những nội dung tin tức của họ. Họ có thể muốn tham gia với các nền tảng nhưng sẽ có những bước đi rất chiến lược về lượng nội dung họ chia sẻ, hoặc đối tượng họ nhắm tới. Họ cũng có thể tập trung vào việc biến những độc giả qua đường trên mạng xã hội thành những người đăng ký theo dõi tin dài hạn thay vì chỉ ngồi đó và đếm lượt "like."

Có những nhà xuất bản không nhìn thấy những cơ hội lớn nào trong việc mở rộng vùng phủ sóng, ví dụ như những thương hiệu đặc thù hay địa phương đã chiếm được số độc giả trong cộng đồng lớn hơn nhiều so với các nền tảng mạng xã hội, hay những thương hiệu vẫn đang duy trì được lượng người truy cập ổn định. 

Những nhà xuất bản như Russmedia của Áo, chủ sở hữu của VOL.at, tập trung vào việc phục vụ thật tốt độc giả của mình, cả trực tuyến và ngoại tuyến, và họ sử dụng các nền tảng cho báo chí kết nối hoặc xã hội, nhưng không dùng nhiều trong phân phối nội dung thông tin.

3. Thí nghiệm kỹ thuật số là một lựa chọn đang chờ các nhà xuất bản chưa thiết lập một chiến lược kỹ thuật số rõ ràng và đã chấp nhận học hỏi qua thử nghiệm.

Các nhà xuất bản này có thể muốn giữ nguyên cốt lõi kinh doanh của mình, vì thế họ tham gia các thử nghiệm ở quy mô nhỏ, ví dụ như đăng một vài bản tin lên Instant Articles của Facebook để theo dõi các tác động của việc tương tác, hay kiểm tra xem mạng lưới khán giả Audience Network của Facebook có mang lại kết quả CPM khá hơn so với trang hiển thị trên di động của họ hay không. 

Các nhà xuất bản cũng có thể chọn đưa ra các thương hiệu mới để học hỏi và nắm bắt các cơ hội trong việc mở rộng tên tuổi hay sử dụng các khả năng của các nền tảng khác như Agora của Ba Lan đã làm với kênh xã hội dành cho người yêu ẩm thực có tốc độ phát triển rất nhanh của mình là HAPS (tiếng Anh có nghĩa là "cắn một miếng").

Rõ ràng, các nhà xuất bản có thể kết hợp các chiến lược này với nhau, hoặc áp dụng các chiến lược khác nhau cho từng thương hiệu.
Nghiên cứu các thuật toán của Facebook
Khi khảo sát các nhà xuất bản tin tức thế giới để viết báo cáo INMA, tôi nhận thấy phần đông trong số họ coi Facebook chủ yếu là một kênh phân phối nội dung tin tức và là một nguồn cung cấp lượng truy cập gián tiếp giá rẻ mà họ có thể kiếm tiền bằng cách quảng cáo ở đó, giống như trên các trang web hay ứng dụng.

Các nhà xuất bản thường tập trung vào việc xây dựng tiếp cận miễn phí và dành hầu hết ngân sách cho truyền thông xã hội vào việc quản lý kênh, tái định hướng lại nội dung cho các nền tảng khác nhau và - đôi khi là tạo ra những nội dung mới nguyên bản dành riêng cho các nền tảng, ví dụ như Video trực tiếp.

Thành công của họ phụ thuộc nhiều vào các thuật toán của nền tảng, và vì thế bất cứ sự thay đổi nào, như thay đổi mà Facebook thông báo hồi tháng Sáu về việc ưu tiên các nội dung cá nhân hơn là nội dung của các nhà xuất bản trên phần News Feed đã khiến nhiều tòa soạn từ New York đến Berlin và Delhi phải sôi máu.

Tôi đã tìm hiểu các đăng ký cấp bằng sáng chế của Facebook để hiểu rõ hơn cách thiết kế các thuật toán bí ẩn của trang mạng này.

Facebook được thiết kế để tạo điều kiện cho các tương tác riêng tư giữa người dùng, và luôn ưu tiên cho các nội dung cá nhân.

Thay đổi hồi tháng Sáu đã phản ánh làn sóng đang lên nhanh của các nội dung tin tức từ các thương hiệu và các nhà xuất bản kỹ thuật số trên trang News Feeds của người dùng Facebook, và thể hiện cố gắng cải thiện sự xuất hiện của các nội dung do bạn bè hay người thân của người dùng đăng tải, đồng thời tăng doanh thu bằng cách bán dịch vụ tăng người xem bài đăng.

Điều thú vị là, trong kết cấu của Facebook, nội dung không phải là một đích đến, mà là sự kết nối giữa con người. Vì vậy, các nội dung tin tức chỉ có giá trị khi chúng là một phần trong cuộc nói chuyện của ai đó. (Mách nhỏ: câu chuyện tin tức của nhà xuất bản được người dùng chia sẻ sẽ được Facebook chấm điểm cao hơn so với việc nhà xuất bản tự chia sẻ câu chuyện trên trang của mình).

Các thuật toán của News Feed rõ ràng được tối ưu hóa để thu hút tương tác. Khi Facebook xếp hạng các tin tức, nó sẽ tính toán xác suất một người dùng tương tác với tin đó, ví dụ như chia sẻ bài đăng tin. Nhiều nghiên cứu tâm lý cho thấy việc chia sẻ trực tuyến bắt nguồn từ những nhu cầu và cảm xúc được xã hội hóa sâu thẳm của mỗi người. 

Người dùng mạng xã hội không chỉ đơn thuần tiêu dùng các nội dung trên đó như khi truy cập vào trang web tin tức; nội dung giống như một dạng bày tỏ bản sắc và cảm xúc của họ. (Mách nhỏ: Những nội dung thể hiện tốt trên trang web hay ứng dụng có thể không đạt hiệu quả tương tự trên các nền tảng mạng xã hội. Những nhà xuất bản để tâm lựa chọn và tạo các nội dung gốc để phân bổ lên mạng xã hội nhằm hướng tới việc người dùng chia sẻ thông tin có thể cải thiện được hoạt động của mình).



Làm thế nào để nắm bắt cơ hội trên Facebook
Có rất nhiều rủi ro liên quan tới kinh doanh trên các nền tảng kỹ thuật số, và những thuật toán thường xuyên thay đổi chỉ là một phần nhỏ trong số đó.

Các nền tảng mạng xã hội thiết lập các quy tắc về hệ sinh thái và thực thi quyền hạn theo ý muốn của mình (ví dụ Facebook đã kiểm duyệt những bức ảnh do báo Aftenposten và thủ tướng Erna Solberg của Na Uy đăng do các thuật toán của nó nhận ra có sự khỏa thân trong các bức ảnh này, nhưng lại không biết được bối cảnh trong ảnh - những nỗi kinh hoàng trong chiến tranh Việt Nam).

Các nền tảng giới thiệu các sản phẩm hoặc tính năng mới và thu hút các đối tác sử dụng tới khi họ đơn phương đổi ý và loại bỏ các sản phẩm này (ví dụ, Facebook đã thuyết phục các nhà xuất bản đầu tư vào các ứng dụng tin tức theo dòng thời gian hồi năm 2011, nhưng sau đó hủy luôn dự án này vào năm 2012).

Các nền tảng chọn những người chiến thắng rồi sử dụng họ theo ý muốn (ví dụ, Zynga, một nhà sản xuất trò chơi mạng xã hội nổi tiếng đã trở thành đối tác phát triển và kinh doanh lớn nhất của Facebook hồi năm 2010, nhưng quan hệ đối tác này đã kết thúc vào năm 2012).

Đây đều là những mối đe dọa nghiêm trọng. Tuy nhiên cũng có đôi khi các nhà xuất bản tin tức quên đi những cơ hội mà Facebook và các nền tảng khác mở ra. Đặc biệt, những nhà xuất bản tập trung vào việc tương tác những người hâm mộ trang của mình và tìm kiếm lượng truy cập gián tiếp có thể sẽ bỏ lỡ những cách sử dụng hữu hiệu các công cụ mà nền tảng mạng xã hội đưa ra.

Facebook có thể là một chất xúc tác trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của toàn bộ nhà xuất bản: quá trình biên tập (ví dụ, báo chí xã hội, phân tích của tòa soạn), kể chuyện (ví dụ, Video gốc, Live Stream, video 360’, các tính năng tương tác và nền tảng thực tế ảo tương lai, các công cụ giao tiếp B2C được đồn đoán trên WhatsApp...), tiếp thị nội dung (ví dụ, các bài viết được đặt sẵn mục tiêu dựa theo thông tin cá nhân trên Facebook), thương mại điện tử (ví dụ, các công cụ đăng ký nhận thư tin tức hay các công cụ thương mại điện tử khác như nút "Mua ngay", quảng cáo trên ứng dụng di động hay các công cụ tạo sự kiện), và quảng cáo (ví dụ, quảng cáo chương trình mạng lưới Facebook Audience Network, thúc đẩy các chiến dịch quảng cáo tự nhiên với nội dung mang thương hiệu).

Quản lý mối quan hệ của nhà xuất bản với các nền tảng không thể là một lĩnh vực của "các biên tập viên truyền thông xã hội trẻ tuổi", như quan niệm vẫn đang hiện hữu ở nhiều tòa soạn.

Đây cũng không chỉ là công việc của tòa soạn - các cơ hội xúc tiến, thương mại điện tử, quảng cáo cần được đánh giá và thương lượng bởi những nhân viên chịu trách nhiệm về các lĩnh vực này.

Nhiều nhà xuất bản - như Vox, hãng tin gốc kỹ thuật số, hay Conde Nast, một tập đoàn tạp chí - đã bổ nhiệm các giám đốc quan hệ đối tác với các nền tảng mạng xã hội, những người có thể thiết lập và quản lý các liên hệ giữa nhà xuất bản với Facebook, Twitter hay các nền tảng khác. Những người quản lý quan hệ đối tác này sẽ làm việc với các nhóm phụ trách sản phẩm, biên tập và doanh thu về phương hướng, phối hợp và hội nhập chiến lược.
Từ tòa soạn đến phòng họp
Với một bộ phận độc giả tin tức đang phát triển, các nền tảng mạng xã hội chính là mạng Internet của họ. Và chiến lược truyền thông xã hội đang dần trở thành chiến lược kỹ thuật số.

Facebook nhanh hơn so với các nhà xuất bản trong tất cả các hoạt động chính mà trước đó đã tạo ra hay nắm giữ giá trị trong ngành công nghiệp - từ tập hợp đến phân phối và bán quảng cáo - đẩy các nhà xuất bản vào vai trò duy nhất là người sản xuất nội dung tin tức.

Những hệ quả của các quyết định hôm nay - ví dụ như có sử dụng Instant Articles của Facebook hay không và dùng thế nào - có thể sẽ định hình tương lai kỹ thuật số của công ty. Và các thỏa thuận kiếm tiền mà các nhà xuất bản đàm phán với các nền tảng mạng xã hội sẽ xác định mô hình kinh doanh của các phương tiện truyền thông tin tức.

Những cuộc thảo luận về kinh doanh trên nền tảng mạng xã hội cần phải được chuyển từ tòa soạn sang phòng họp của các công ty truyền thông tin tức. 

Mathias Döpfner, giám đốc điều hành của nhà xuất bản Đức Axel Springer mới đây đã cảnh báo: "Nếu không có một mô hình kinh doanh thực sự, hiệu quả và đủ lớn về mặt tìm kiếm tin tức... và không có mô hình kinh doanh nào về mặt mạng xã hội, số nhà sản xuất nội dung sẽ giảm đi nhanh chóng."

Nếu tương lai của phân phối tin tức là kỹ thuật số, các câu hỏi chiến lược là: Các nhà xuất bản tin tức muốn đóng vai trò gì trong chuỗi giá trị của tin tức? Và các nhà xuất bản có thể đóng vai trò gì trong chuỗi giá trị? Chỉ là người sáng tạo, tập hợp nội dung và khán giả, hay là người phân phối? Những giá trị độc nhất nào mà các nhà xuất bản có được thêm hiện nay? Lợi thế cạnh tranh của họ so với các nền tảng toàn cầu là gì?​

Nguồn: tác giả Grzegorz Piechota

!!!Grzegorz Piechota là một nhà nghiên cứu tại trường Kinh doanh Harvard ở Mỹ, là và cựu biên tập viên tin tức thuộc tờ Gazeta Wyborcza của Ba Lan. 

8 lời khuyên tiền bạc từ người trở thành triệu phú từ hai bàn tay trắng

- Không có nhận xét nào
Hầu hết người nghèo tìm kiếm sự giàu có từ bên ngoài và đổ lỗi cho hoàn cảnh khi mình chăm chỉ mà mãi vẫn nghèo. Còn người giàu thì biết rằng sự giàu có xuất phát từ chính bản thân họ.

Hầu hết người nghèo tìm kiếm sự giàu có từ bên ngoài và đổ lỗi cho hoàn cảnh khi mình chăm chỉ mà mãi vẫn nghèo. Còn người giàu thì biết rằng sự giàu có xuất phát từ chính bản thân họ.
Steve Siebold là một triệu phú tự thân, tác giả của cuốn sách bán chạy "Người giàu suy nghĩ như thế nào?". Sau 30 năm nghiên cứu 1.200 người giàu, ông đã có nhiều đúc kết về tầng lớp thượng lưu này. Dưới đây là câu chuyện Siebold chia sẻ trên Business Insider.
Trái ngược với quan niệm của phần đông mọi người, trí thông minh hay trình độ học vấn không phải là yếu tố quyết định một người bình thường có thể trở nên giàu có hay không.
Người nghèo cho rằng tiền bạc chỉ nhằm phục vụ cho họ có một cuộc sống vật chất đầy đủ. Trong khi đó, người giàu tin rằng tiền bạc là công cụ để thực hiện các sở thích và giúp họ tích lũy tài sản theo thời gian.
Hầu hết người nghèo tìm kiếm sự giàu có từ bên ngoài và đổ lỗi cho hoàn cảnh khi mình chăm chỉ mà mãi vẫn nghèo. Còn người giàu thì biết rằng sự giàu có xuất phát từ chính bản thân họ.
Nếu bạn thực sự muốn trở nên giàu có, hãy thay đổi suy nghĩ về tiền bạc và làm theo cách của người giàu.
1. Tự lực là con đường duy nhất để bạn có được tự do và trở thành chính mình là phần thưởng xứng đáng nhất.
Bất cứ ai cũng có hai lựa chọn đối với tiền bạc. Một là, coi kiếm tiền là việc của người khác và chăm lo cho cuộc sống của bạn cũng là trách nhiệm của người khác. Hai là, bạn phải tin rằng mỗi người sinh ra đều có cơ hội như nhau để làm giàu.
Các triệu phú tự thân tin rằng tự lực là nguyên tắc cơ bản quyết định cuộc sống của họ. Khi bạn bỏ qua những ràng buộc về trách nhiệm của người khác, bạn sẽ tự do kiếm bao nhiêu tiền mà mình thích.
2. Sự giàu có bắt nguồn từ năng lượng và ý tưởng
Nói một cách hàm ý, tiền bạc được sinh ra từ những cái cây và ý tưởng của bạn chính là những cái cây đó. Bất cứ nơi nào trên trái đất mà bạn đặt chân đến, bạn đều gặp phải những vấn đề đòi hỏi giải quyết bằng sự sáng tạo. Vấn đề bạn gặp phải càng lớn thì cơ hội kiếm tiền của bạn càng cao.
Trong khi người bình thường quan niệm tiền bạc là có giới hạn và rất khó kiếm thì người giàu lại tin rằng tiền bạc luôn có sẵn ở khắp mọi nơi và việc kiếm tiền chỉ đơn giản là bạn giải quyết được các vấn đề khó khăn bằng những ý tưởng sáng tạo.
3. Hãy tránh xa câu nói: Tiền bạc là nguồn gốc của quỹ dữ. Đây là một quan niệm sai lầm khiến bạn khó có thể làm giàu.
Người bình thường cho rằng người giàu may mắn và thường sống không trung thực. Vì thế, họ cũng cho rằng đam mê tiền bạc là nguồn gốc của quỷ dữ và tội lỗi. Kết quả là người nghèo thường “tự huyễn hoặc” bản thân xa lánh, thậm chí chạy trốn khỏi tiền bạc.
Đừng quan tâm đến những gì người khác nói, hãy tập trung vào mục đích kiếm tiền của bạn. Nếu ai đó nói với bạn rằng: Làm giàu là một điều sai trái, hãy tránh xa người đó ra. Quan niệm đó không thể giúp bạn làm giàu được đâu!
4. Sự giàu có xuất phát từ suy nghĩ và những người giàu thường có tâm hồn phong phú.
Khi so sánh về quan điểm, niềm tin và triết lý tiền bạc giữa các triệu phú và phần đông thế giới còn lại, chúng ta sẽ thấy rõ sự khác biệt. Người giàu không bao giờ có cảm giác “sợ hãi” đối với tiền bạc. Họ luôn nhìn thấy cơ hội và sự tự do ở tiền bạc.
Bên cạnh đó, người giàu cũng biết rằng làm thêm giờ không phải là cách duy nhất giúp họ kiếm thêm tiền. Họ không bao giờ bi quan rằng mình không đủ thông minh hay tài giỏi để trở nên giàu có. Người giàu biết rằng mọi thứ họ muốn đều nằm trong tầm tay.
5. Bạn chỉ có duy nhất 2 con đường để học hỏi. Một là tự đọc sách. Hai là kết giao với những người giỏi hơn bạn.
Chúng ta thường có xu hướng giống với những người mà ta kết giao cùng. Các triệu phú suy nghĩ về tiền bạc khác với cách mà tầng lớp trung lưu vẫn nghĩ. Họ cho rằng tiền bạc luôn có sẵn, miễn là họ quyết tâm kiếm tiền.
Người thành công cho rằng nhận thức là thứ hoàn toàn có thể học hỏi được, do đó họ tìm cách kết giao với những người thành công hơn để tăng cường kiến thức và mở rộng cơ hội kiếm tiền.
6. Tiền bạc cũng như tình yêu, đều phải đánh đổi bằng máu và nước mắt.
Ngay từ bé, chúng ta đã được dạy lựa chọn cuộc sống yên bình, tránh xa cám dỗ và những rắc rối xung quanh. Cha mẹ cũng dạy chúng ta rằng chỉ nên mơ những giấc mơ phù hợp với thực tế của mình vì cuộc sống rất nguy hiểm và đáng sợ. Đó cũng là lý do người nghèo luôn sống khép mình để an toàn và tránh rủi ro.
Tuy nhiên, người giàu không nghĩ như vậy. Nếu bạn muốn trở nên giàu có, bạn phải chấp nhận đánh đổi, thậm chí kể cả đổ máu và nước mắt. Làm giàu là con đường đầy chông gai nên bạn đừng lo lắng sẽ phạm sai lầm.
7. Tiết kiệm tiền là một lời khuyên sai lầm. Đầu tư cho bản thân mới là lời khuyên đúng đắn.
Thay vì tập trung vào chi tiêu và tiết kiệm, bạn hãy tập trung vào việc kiếm tiền nhiều hơn. Và cách tốt nhất để làm việc này là đầu tư cho bản thân. Những người chiến thắng là người không ngừng cải thiện bản thân, họ sẵn sàng làm tất cả để vượt qua đối thủ.
Có rất nhiều cách để bạn đầu tư cho chính mình: Đọc sách, nghe đài, tìm một nhà cố vấn hoặc tham dự các buổi thuyết trình. Học hỏi không bao giờ là thừa.
8. Bất cứ ai sinh ra cũng có quyền trở nên giàu có. Nếu biết tận dụng khả năng của mình, bạn chắc chắn sẽ trở nên giàu có.
Hầu hết mọi người có niềm tin phổ biến rằng họ không đủ khả năng, trí tuệ cũng như may mắn để trở nên giàu có. Vì thế, họ chỉ phấn đấu có một cuộc sống thịnh vượng với những nhu cầu cơ bản. Với họ, triệu phú là một khái niệm hoàn toàn xa vời.
Trong khi đó, người giàu luôn đặt câu hỏi: Tại sao không phải là tôi? Tôi đã cố gắng và tôi xứng đáng có được sự giàu có. Nếu bạn thực sự muốn trở nên giàu có, tại sao không dũng cảm gạt bỏ những suy nghĩ tầm thường ra khỏi đầu?
Theo tri thức trẻ

5 tố chất cần có để thăng tiến lên vị trí lãnh đạo

- Không có nhận xét nào

Với kinh nghiệm làm việc tại một công ty trong danh sách Fortune 500 và một dự án khởi nghiệp 3 năm tuổi, nhà quản lý hàng đầu Jenn Branstetter của Porch.com nhận ra rằng sự thành công cô tại đâu cũng đều được tạo nên bởi những nhân tố giống nhau.

Dù làm trưởng một nhóm marketing nhỏ tại Microsoft hay một nhóm lớn các chuyên gia bán lẻ lớn tại Porch.com, những nhân tố đó đều đã góp phần đưa Jenn đi đến thành công. Nói cách khác, 5 tố chất dưới đây là những thứ có thể giúp bạn tỏa sáng ở bất kỳ cấp bậc nào:

1. Biết cách tổ chức

Dẫu quy mô công ty như thế nào, hãy để ai cũng nhớ bạn là một người biết tổ chức công việc. Điều đó sẽ giúp các dự án mà bạn tham gia trở nên xuôi chèo mát mái hơn, và nâng cao uy tín của bản thân đối với đồng nghiệp.

Mỗi ngày, Jenn Branstetter đều có một mục tiêu rõ ràng về những gì cần đạt được và cô không ngừng theo dõi tiến độ thực hiện. Điều này buộc Jenn phải biết cách đặt ưu tiên và luôn đảm bảo hoàn thành những việc quan trọng nhất hàng ngày.

Bạn cảm thấy không thoải mái với việc tổ chức ư? Vậy thì hãy làm quen với nó.

Hãy tìm đọc một quyển sách hướng dẫn, thử các cách mà đồng nghiệp đang làm, và tiếp tục cố gắng cho đến khi bạn tìm ra một quy trình phù hợp với cách sống và làm việc của bạn. Khi đó, công sức bạn bỏ ra sẽ chẳng là gì so với phần thưởng mà bạn nhận lại đâu.

2. Đáng tin cậy


Trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, Jenn Branstetter cho biết cô rất kém ở khoản này. Thay vì “Hứa ít, làm nhiều”, Jenn lại “Hứa nhiều, làm ít”. Điều này khiến cấp trên và đối tác cảm thấy thất vọng, khiến cô đánh mất nhiều dự án lớn.

Thực tế, Jenn Branstetter làm việc rất chăm chỉ nhưng cô lại khá kém trong việc ước tính thời gian cần có để xử lý công việc. Việc đánh giá thấp yếu tố thời gian khi tham gia vào một dự án, và không cân nhắc kỹ hậu quả của việc chậm trễ là một “nguy hiểm chết người” - nhất là trong môi trường các doanh nghiệp lớn.

Hãy ước lượng thời gian làm việc của riêng bạn và thời gian cần thiết để dò dẫm “tình hình chính trị” của công ty (tất cả các công ty đều có chuyện này bất kể quy mô nhỏ hay lớn). Ngoài ra, bạn cũng cần nắm rõ giá trị của thời gian đệm: khi lên thời gian hoàn thành mục tiêu, hãy bảo đảm là bạn đã tính phòng hờ 20% thời gian đệm.

Việc suy nghĩ trước về thời gian thực hiện cho phép bạn xác định những yếu tố quan trọng của một dự án và dành thời gian ưu tiên cho chúng. Thời gian đệm giúp bạn có được một giải pháp an toàn khi mọi thứ không đi theo đúng kế hoạch đã định.

3. Biết cách lắng nghe

Biết lắng nghe quan trọng gấp nhiều lần so với biết nói. Đây chính là bí quyết khiến công việc của bạn vận hành trơn tru trong một doanh nghiệp lớn.
Hãy vận dụng nguyên tắc đơn giản sau để khiến đồng nghiệp cảm thấy họ đang được lắng nghe, đồng thời thuyết phục được họ về phía mà bạn mong muốn. Khi đồng nghiệp chia sẻ quan điểm của mình, hãy chăm chú lắng nghe và khi họ kết thúc, hãy hỏi “Tôi có thể tóm tắt những gì tôi vừa nghe được không?”. Sau đó, diễn giải lại cho tới khi họ thốt lên “Đúng vậy.

Quy tắc đơn giản này sẽ xây dựng niềm tin và cải thiện năng suất lao động bởi vì đồng nghiệp của bạn cảm thấy quan điểm của họ được lắng nghe và thừa nhận.

4. Có tinh thần trách nhiệm

Các nhà lãnh đạo phải luôn biết cách vạch ra trách nhiệm cho bản thân mình và những người khác. Đôi lúc, điều này rất khó chịu nhưng lại là yếu tố cần thiết để đạt được thành công.

Tinh thần trách nhiệm xuất phát từ việc “đã nói là làm”. Với tư cách là một nhà lãnh đạo tại Porch, để hoàn thành tốt mọi thứ, Jenn Branstetter luôn tự đặt ra tiêu chuẩn cao cho bản thân và xác định trách nhiệm rõ ràng cho nhóm của mình.

Hãy phấn đấu không ngừng để tạo ra danh tiếng vững bền cho nhóm của bạn về tinh thần làm việc chăm chỉ, đạt kết quả cao và tôn trọng lẫn nhau. Nếu biết chịu trách nhiệm, bạn sẽ dễ nắm được một vị trí tốt trong những dự án tiếp theo.

5. Tử tế

Đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của sự tử tế. Jenn cho biết nếu chỉ được dạy 1 điều cho cặp sinh đôi của mình, cô sẽ dạy các con: “Thế giới này rất nhỏ, hãy tử tế với mọi người”.

Hãy dành thời gian quan tâm đến đồng nghiệp của mình, hãy là một con người rộng rãi và hào phóng. Bạn có thể gửi thư cảm ơn đến các đồng nghiệp đã giúp đỡ bạn hoàn thành mọi việc đúng deadline quy định, hoặc dành ít phút hỏi thăm đồng nghiệp về ngày nghỉ cuối tuần của họ bên gia đình.

Hãy đối xử với mọi người bằng sự tôn trọng, và bạn sẽ nhận lại được sự tôn trọng tương xứng.

Theo Doanh Nhân Sài Gòn