Sự kiện 3 công dân ở An Giang bị phạt tiền, bị xử lý cả về mặt đảng lẫn chính quyền chỉ vì nói xấu lãnh đạo tỉnh làm dư luận “sôi sục” cả tuần qua.
>> Chê chủ tịch tỉnh trên Facebook, bị phạt tiền và kỷ luật
>> Xúc phạm danh dự trên Facebook: Có thể bị xử lý hình sự
Chuyện vặt - xử nặng
Mới đây, khi Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm Chủ tịch UBND tỉnh An Giang do yếu kém trong quản lý đất, bà Lê Thị Thùy Trang là giáo viên trường THPT Long Xuyên tải lên Facebook lời bình “nhìn cái mặt kênh kiệu”.
Nhà ông chủ tịch tỉnh (bên phải) và nhà 2 người bị phạt.
Dòng chia sẻ này được ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc dùng tài khoản của vợ là bà Phan Thị Kim Nga - Phó chánh văn phòng Sở Công thương, vào “like” (thích).
Hệ thống Đảng và chính quyền được huy động vào cuộc để kỷ luật 3 người. Bà Trang và ông Phúc bị Sở TTTT phạt mỗi người 5 triệu đồng vì hành vi “sử dụng thông tin nhằm xúc phạm uy tín, danh dự người khác”. Ông Phúc bị xử lý về mặt chính quyền. Bà Nga bị cảnh cáo về mặt Đảng và chuyển công tác.
Điều đáng nói, quy trình xử phạt cũng như việc vận dụng luật của những người làm luật ở An Giang lại đầy sai phạm. Đoàn thanh tra đã tự mâu thuẫn khi áp dụng luật. Thậm chí, quyết định xử phạt lại căn cứ vào một luật không có trong hệ thống pháp luật Việt Nam.
Cụ thể, biên bản làm việc (ngày 15/10) nói các đương sự vi phạm Điều 5, khoản 1, điểm d Nghị định 72/2013/NĐ-CP về quản lý, sử dụng Internet “đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân”. Trong khi đó, biên bản vi phạm hành chính lại nói vi phạm điểm g, khoản 3, Điều 66 Nghị định 174/2013/NĐ-CP “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.
Điều đáng lưu ý là, các biên bản đều không nêu ngày, giờ xảy ra vi phạm hành chính. Phần “người chứng kiến” trong các biên bản đều bỏ trống. Thậm chí, tên của bà Trang hồ sơ ghi cũng không đúng, chỉ còn “Thị Thùy Trang” (mất họ).
Trong quyết định xử phạt ban hành ngày 16/10, ông Nguyễn Thanh Hiền ghi: “Căn Luật Xử lý vi phạm hành chính ngày 1/7/2013”. Chúng tôi đã tra cứu và thấy rằng, cái gọi là “luật” mà ông Hiền áp dụng không tồn tại.
Nói chính xác, hệ thống luật pháp của Việt Nam chỉ có Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 được Quốc hội ban hành ngày 20/6/2012. Đúng ra, phải là “Căn cứ luật” thì, có thể do “lỗi đánh máy”, các quyết định đều là “Căn luật”.
Luật sư Nguyễn Trường Thành - Đoàn Luật sư TP Cần Thơ nói: “Quyết định hành chính mà áp dụng sai văn bản pháp luật thì không có giá trị. Việc lập biên bản vi phạm hành chính mà không xác định được thời gian vi phạm thì không thể xử lý vi phạm. Vì có xác định được thời gian thì mới xác định được vi phạm này có còn thời hiệu để xử lý hay không.
Ví dụ, nếu có vi phạm nhưng xảy ra hơn 6 tháng trước thì không thể xử lý. Ngoài ra, biên bản không có người chứng kiến thì chính người lập biên bản cũng vi phạm quy định pháp luật” - luật sư Thành nói.
Trong một diễn biến khác, trong khi dư luận cho rằng việc xử phạt 3 cán bộ “chê” lãnh đạo tỉnh là nặng nề thì Phó bí thư Đảng ủy khối Dân chính đảng Hà Minh Trang có công văn gửi Sở GD&ĐT tỉnh An Giang, yêu cầu Ban Giám đốc sở này phải “rút kinh nghiệm vì xử lý cô giáo Nguyễn Thị Thùy Trang nhẹ so với quy định”.
Công văn cũng yêu cầu Đảng ủy khối doanh nghiệp chỉ đạo Đảng ủy Công ty điện lực An Giang “Xử lý về chính quyền theo Luật Lao động đối với ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc”.
Giám đốc Công ty điện lực An Giang sau đó cũng xử lý ông Phúc theo chỉ đạo nhưng có văn bản nêu rõ “ông Phúc không vi phạm Luật Lao động”.
Luật sư Võ Đức Toàn - Đoàn luật sư TP HCM nói: “Vị phó bí thư chỉ đạo Đảng ủy phải xử lý về mặt chính quyền là đá lộn sân. Việc yêu cầu xử lý theo Luật Lao động cũng không thể áp dụng vì ông Phúc không làm gì trái Luật Lao động”.
“Nạn nhân” của chủ tịch
Cách đây 8 năm, gia đình ông Phúc từng bị thiệt hại nặng khi ông Vương Bình Thạnh xây nhà mới. Bà Võ Thị Thiêm, vợ ông Thạnh cho biết, vợ chồng bà ở nhà số 5 đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Mỹ Long. Nhà số 7 là nhà ông Phúc.
Năm 2007, gia đình ông Thạnh phá nhà cũ xây nhà mới làm nhà số 7 bị sập tường, nứt tường, nứt đà. Vợ chồng ông Phúc không có ý kiến gì nhưng mẹ ông Phúc là cô giáo về hưu Nguyễn Thành Phi Anh (nay đã 71 tuổi) và cha ông Phúc là ông Huỳnh Văn Đông đề nghị gia đình ông Vương Bình Thạnh xem xét.
“Tôi có yêu cầu nhà thầu thi công qua nhà chị Phi Anh kiểm tra, sau đó phải sửa chữa lại. Nhà thầu sau đó than là xây nhà cho tôi bị lỗ vì phải tốn phí sửa chữa nhà bà Phi Anh” - bà Thiêm nói.
Thế nhưng, sau khi sửa chữa xong, được một thời gian thì nhà cô giáo Phi Anh lại tiếp tục nứt ở những vết cũ nên cô muốn ông Thạnh sửa chữa.
Theo nhiều văn bản có xác nhận của chính quyền địa phương, có chữ ký bà Thiêm ghi rõ “về lâu dài nếu hộ nhà số 7 có bị hư hỏng thì hộ nhà số 5 phải có trách nhiệm sửa chữa, bồi hoàn cho hộ số 7”.
Giấy trắng mực đen, dấu đỏ rành rành nhưng bà Thiêm nói: “Đúng là nhà số 7 bị ảnh hưởng, sau đó nhà thầu có sửa chữa nhưng tôi không có ký gì hết vì tôi không có lên phường”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, cô giáo Phi Anh không chỉ buồn chuyện nứt nhà mà còn buồn chuyện sinh hoạt từ phía nhà ông chủ tịch.
“Trời mưa, chủ tịch nhà cao, nước tràn qua nhà tôi, hai vợ chồng già lấy thau lấy xô tát nước ra ngoài. Ông Thạnh trồng kiểng nhưng không có thời gian tưới nên bụi, đất bay sang nhà, tôi cũng không dám nói. Giờ con tôi gặp sự cố này, chúng tôi chắc thôi không ý kiến gì nữa” - ông Đông nói.
Trao đổi với phóng viên, cô giáo Phi Anh cười buồn: “Con dâu mất chức, con trai bị phạt, cả hai vợ chồng lục đục, sống dở chết dở. Đang nuôi con nhỏ, hai vợ chồng Phúc phải nói dối tôi là mượn tiền mua sữa cho con. Tôi đưa 5 triệu đồng, sau này mới biết Phúc mượn đóng phạt. Riêng cái nhà, kỹ sư xây dựng đã khảo sát và nói phải sửa, nếu không sẽ sập.
Chồng tôi bệnh tim, đang đặt stent, còn tôi thì đau ốm liên miên. Chúng tôi không thiết tha chuyện gì ngoài chuyện ông chủ tịch tha cho con tôi. Tôi muốn dẫn nó qua xin lỗi ông chủ tịch nhưng không biết ông có bỏ qua không”.
Nguồn: news.zing.vn