Cuộc tọa đàm "Thanh niên Việt nên làm gì?" sáng 8/10 với sự tham gia của TS Đặng Hoàng Giang và tác giả Đinh Trần Tuấn Linh đã gợi mở nhiều vấn đề thú vị cho những người trẻ.
TS Đặng Hoàng Giang (trái) và tác giả Đinh Trần Tuấn Linh (phải) tại buổi tọa đàm sáng 8/10
Cuộc tọa đàm được tổ chức nhân dịp tái bản cuốn sách Trai nước Nam làm gì? của tác giả Hoàng Đạo Thúy sau hơn 70 năm kể từ lần xuất bản đầu tiên.
Thanh niên không nhất thiết phải lấy vợ, sinh con
Là người viết lời tựa giới thiệu cuốn sách của tác giả Hoàng Đạo Thúy trong lần tái bản này, TS Đặng Hoàng Giang chia sẻ ông khá bất ngờ khi trong cuốn sách của mình, Hoàng Đạo Thúy coi việc lấy vợ là một trong những việc mà thanh niên Việt Nam cần phải làm.
TS Đặng Hoàng Giang cho rằng lời khuyên của Hoàng Đào Thúy từ 73 năm trước tới nay không còn tính thời sự nữa, bởi lẽ, thanh niên hiện nay không nhất thiết phải kết hôn, lập gia đình. "Đó không phải là con đường duy nhất cho cuộc sống của chúng ta nữa".
Tác giả Hoàng Đạo Thúy với ảnh hưởng của Nho giáo cũng cho rằng có con là một việc rất quan trọng. Không có con là một trong 3 tội bất hiếu của con người và người sống độc thân sẽ trở thành "quái vật", "cây khô không có lộc"…
TS Đặng Hoàng Giang cho rằng đây là những tư tưởng mà thanh niên Việt Nam không cần và cũng không nên lấy làm tôn chỉ mục đích của mình nữa. Bởi hiện nay mọi người có quyền lựa chọn của mình và khi họ không đi theo con đường mà nhiều người chọn thì không có nghĩa họ không có chút giá trị gì và bị kỳ thị.
Tuy nhiên, TS Giang cho rằng quan niệm gia đình là nền tảng, là tế bào cơ bản của xã hội thì vẫn là chân lý.
"Khủng hoảng lớn của xã hội Việt Nam đương đại là những nền tảng này đang bị lung lay. Tỉ lệ ly hôn của Việt Nam rất cao, đặc biệt là xu hướng ly hôn xanh (ly hôn sau ngay khi kết hôn)" - ông Giang cho hay.
Điều này dẫn tới một hiện trạng, theo TS Giang đó là việc những người trẻ đang đánh mất khả năng chung sống với người khác.
"Họ đánh mất khả năng thỏa hiệp trong cuộc sống hàng ngày. Với cái tôi quá lớn, họ không biết mình là ai cũng không biết người kia là ai. Nói chung, họ không sống chung được với ai cả".
Từ đó, TS Giang cho rằng việc lấy vợ lấy chồng, có con không còn quan trọng nữa nhưng khả năng sống chung với cộng đồng (gia đình, hàng xóm, cơ quan) là rất quan trọng.
"Có vẻ như với sự xuất hiện của mạng xã hội, khi công nghệ ưu ái cho sự ái kỷ thì khả năng sống chung với người khác của chúng ta đang tệ đi" - TS Giang nói.
"Đó là điều mà tôi nghĩ là cảnh báo của Hoàng Đạo Thúy vẫn còn giá trị".
Không đồng tình với TS Giang, tác giả Đinh Trần Tuấn Linh cho rằng, dù hiểu gia đình theo cách nào thì lời khuyên của Hoàng Đạo Thúy vẫn tuyệt đối đúng với đa số người Việt Nam.
"Ngoài chuyện tình yêu, đam mê đôi lứa thì mỗi người vẫn cần có một nơi để đi về, cần người để chia sẻ. Người đó có thể là người hôn phối, người bạn đời nhưng chắc chắn là vẫn rất cần thiết, đặc biệt là với người Việt" - ông Linh nói.
"Hôn nhân có thể là một cuộc xổ số nhưng cả xã hội cùng chơi thì cách tốt nhất là hãy học luật chơi cho tốt để là người có xác suất chiến thắng cao nhất".
Cuối cùng, ông Linh khuyên những bạn trẻ hãy cứ mạnh dạn kết hôn, bởi lẽ, việc đáng sợ như hôn nhân mà còn dám làm thì trên đời không còn việc gì đáng sợ nữa.
Chủ nghĩa vật chất đang hủy hoại chúng ta
Một trong những vấn đề được Hoàng Đạo Thúy nhận ra khá sớm trong cuốn sách của mình là mối nguy hại của chủ nghĩa vật chất.
TS Đặng Hoàng Giang cho rằng trong lúc những nhóm khác như Tự lực văn đoàn vẫn đang ca ngợi tiến bộ khoa học kỹ thuật, coi đó là sự cứu rỗi của thế giới thì Hoàng Đạo Thúy đã nhìn thấy đó đã là một cái nạn rất lớn.
"Đó là một cái nhìn rất xa và đáng kinh ngạc" - TS Giang nói.
Trong cuốn sách của mình, Hoàng Đạo Thúy viết về căn bệnh của chủ nghĩa vật chất: "Tiền đã thành sức mạnh, tiền đã nên cái lẽ vì nó mà sống" và rằng: "… sống để làm ra hàng (hóa) rồi lại để dùng hàng".
Theo TS Giang hiện tại, chúng ta đang lâm vào tình cảnh này với mức độ khủng khiếp hơn rất nhiều.
"Chúng ta không chỉ phá hủy bản thân vì những ham muốn vật chất, tiền bạc mà còn phá hủy cả môi trường xung quanh. Chúng ta phạt núi để làm cáp treo, lấn biển làm resort (khu nghỉ dưỡng), làm bẩn biển, chết cá, phá hết rừng, biến môi trường xung quanh thành đường cao tốc và nhà cao ốc".
"Đó là cái guồng lăn khó kìm lại được. Tất cả đều nhằm phục vụ cho vật chất và lợi nhuận".
Đồng tình với quan điểm của TS Giang, tác giả Đinh Trần Tuấn Linh cho rằng thanh niên hiện nay chỉ muốn kiếm tiền nhanh, làm giàu nhanh. "Điều này mới đáng sợ chứ bản thân tiền không đáng sợ".
Theo TS Giang, trong bối cảnh thế giới đang "ốm tinh thần", Hoàng Đạo Thúy không trở nên bất đắc chí mà muốn chuẩn bị cho thanh niên Việt trở thành những người chạy đường trường, đủ phẩm chất để đi qua những thử thách lâu dài.
"Đó là cả một sự trái ngược với tư duy 'cái nước này nó thế' và buông xuôi 'sống chung với lũ' của nhiều người, kể cả trẻ lẫn không trẻ, ở thời điểm năm 2016" - TS Giang viết trong lời tựa cuốn Trai nước Nam làm gì?.
Giờ đây, điều thanh niên Việt cần tự vấn là liệu mục đích của cuộc đời có phải là đi cáp treo lên Fan để selfie hay không, hay là để tạo ra một xã hội công bằng, bác ái và hài hòa với thiên nhiên.
Sẽ tốt hơn nếu chúng ta ngưng lại một chút cơn sốt học thành triệu phú, học thành thông minh kiểu Do Thái hay chạy theo 28 bí quyết dạy con của người Nhật và nhìn lại và học hỏi từ những giá trị mà Hoàng Đạo Thúy đã đề xướng từ cách đây hơn 70 năm: lớp trẻ cần trở thành những người khỏe mạnh về thể lực, mạnh mẽ trong tinh thần, tỉnh ngộ trong nhận thức và vững vàng trong đạo đức.
TS Đặng Hoàng Giang - Lời giới thiệu sách Trai nước Nam làm gì?
0 on: "Người Việt trẻ đánh mất khả năng sống chung với người khác"