Người đóng góp cho blog

Lưu trữ Blog

2/9/16

Huyết áp cao không chừa… trẻ nhỏ

 

Bạn có biết, bệnh cao huyết áp ở trẻ nhỏ có tốc độ phát triển và mức độ nguy hiểm không kém gì bệnh béo phì?.


Dễ bị bỏ qua và chẩn đoán nhầm

Thấy con thường xuyên có triệu chứng lên cơn co giật, nôn mửa, chị Mai (Ba Đình, Hà Nội) hốt hoảng đưa bé nhập viện. Các bác sĩ chẩn đoán bé bị dị dạng mạch máu não, kê thuốc và cho bé xuất viện. Ngày hôm sau, bé vẫn có những biểu hiện như trước, chị Mai phải cho con nhập viện trở lại. Đến lúc này, các bác sĩ mới tiến hành đo huyết áp và phát hiện huyết áp của bé lên tới 160/140 mmHg, có lúc là 200/150 mmHg.

Chị Lan (Khu tập thể Nam Đồng, Hà Nội) cho biết bé Hoài Nam con chị cũng đã từng gặp phải tình trạng tương tự, do bác sĩ khi thăm khám đã không chú ý đến huyết áp và chẩn đoán nhầm sang hướng khác. Khi được đo huyết áp của bé đã ở mức cao hơn 140/90, nếu không có biện pháp điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tai biến về tim hoặc thận.

Cao huyết áp ở trẻ em đã khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng bởi bệnh này không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe và lối sống của trẻ mà còn đe dọa trực tiếp tới tính mạng nếu không được phát hiện sớm để có biện pháp kiểm soát kịp thời.

Do quan niệm chủ quan rằng huyết áp cao chỉ biểu hiện ở tuổi trưởng thành và ngay một số người lớn bị cao huyết áp không nghĩ rằng nguồn gốc của bệnh liên quan tới thời thơ ấu của họ và có thể ảnh hưởng đến con cái mình.


Dấu hiệu báo động tăng huyết áp ở trẻ

Trị số huyết áp gồm 2 số: số lớn là huyết áp tâm thu và số nhỏ là huyết áp tâm trương. Bình thường huyết áp của trẻ thấp hơn người lớn (<120/80). Huyết áp sẽ tăng cùng với độ tuổi, giới tính và chỉ số cơ thể. Khi trẻ lớn, huyết áp của chúng tiếp tục tăng từ mức huyết áp tâm thu khoảng 90 ở tuổi nhũ nhi đến bằng trị số của người lớn ở tuổi vị thành niên. Ở trẻ em, huyết áp cao được định nghĩa khi huyết áp lớn hơn 90 theo tuổi, chiều cao và giới tính (so sánh với bảng huyết áp chuẩn ở trẻ).


Tăng huyết áp ở trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên thường bị tăng số huyết áp dưới, ví dụ 120/95mmHg, trong khi tăng huyết áp ở người cao tuổi thường là tăng số huyết áp trên, ví dụ 170/80mmHg. Chẩn đoán huyết áp cao ở trẻ cần phải dựa vào ít nhất 3 lần đo khác nhau. Để theo dõi sát sao sức khỏe của trẻ, cha mẹ nên hỏi bác sĩ để biết chính xác trị số huyết áp bình thường tùy vào độ tuổi, giới tính và cân nặng.

Trẻ em bị tăng huyết áp thường có các dấu hiệu như nhức đầu, đau gáy vào buổi sáng, chóng mặt, mệt mỏi, chảy máu cam, yếu liệt tay chân, co giật hoặc trẻ em bị béo phì, chậm phát triển, da xanh xao, hay đổ mồ hôi, tiểu ra máu, tiền sử gia đình có người mắc bệnh thận bẩm sinh hoặc huyết áp cao.

Nguyên nhân huyết áp cao ở trẻ do đâu?

Nguyên nhân gây tăng huyết áp rất đa dạng, tùy thuộc độ tuổi, chỉ số cơ thể và các bệnh lý của trẻ. Tuổi càng nhỏ, huyết áp cào càng có khả năng hướng tới một bệnh lý đặc biệt nào đó. Trẻ sơ sinh bị cao huyết áp thường là do những biến chứng của sinh non như huyết khối trong động mạch thận hay loạn sản phế quản phổi hoặc là bất thường thận bẩm sinh và hẹp eo động mạch chủ. Ở tuổi thiếu nhi, nguyên nhân lại do các bệnh lý của thận, dị dạng mạch máu hay rối loạn hormone hoặc một vài loại thuốc như steroid cũng có thể dẫn tới tăng huyết áp.

Cao huyết áp vô căn phát hiện chủ yếu ở tuổi thiếu niên, đa số những trường hợp này đều có cùng nguyên nhân như người lớn: tiền sử gia đình, chế độ ăn, căng thẳng, béo phì, thiếu luyện tập thường xuyên, do u hoặc dùng thuốc, u tuỷ thượng thận. Nếu huyết áp của trẻ tăng cao cần kiểm tra, xét nghiệm chức năng thận, vì thường nó là nguyên nhân gây huyết áp cao ở trẻ.

Sở dĩ huyết áp cao có liên quan tới bệnh thận là do thận của trẻ bị tổn thương nên không còn hoạt động hiệu quả để điều hòa giữ huyết áp ở mức bình thường. Có thể nói huyết áp cao là nguyên nhân đầu tiên gây suy thận và cũng là biến chứng do bệnh thận.

Mặc dù cao huyết áp nặng thì hiếm gặp ở trẻ em, nhưng cao huyết áp vừa và nhẹ cũng có thể gây ra tổn hại nếu không được điều trị kịp thời như: Đột quỵ, bệnh tim, suy thận, mất thị lực, xơ vữa động mạch và bệnh lý hệ tuần hoàn.

Để huyết áp trong tầm kiểm soát

Ngay từ lúc 3 tuổi, cha mẹ nên đưa trẻ đi thăm khám và đo huyết áp định kỳ. Đây là biện pháp đơn giản và ít tốn kém nhất để kiểm soát bệnh tật của con mình. Để kiểm soát huyết áp của trẻ, cha mẹ nên ghi lại huyết áp mỗi lần kiểm tra (cùng với chiều cao, cân nặng và tuổi). Bên cạnh đó, cha mẹ nên thay đổi lối sống cho trẻ bị cao huyết áp:

- Nếu bé quá nặng cân, béo phì thì áp dụng các chế độ ăn giảm cân như: ít đường, ít mỡ, nhiều chất đạm và chất xơ, nên giảm bớt khẩu phần trong mỗi bữa ăn chứ không nên giảm bớt số bữa ăn, hạn chế các món xào nhiều dầu mỡ, nên ăn thức ăn có chứa nhiều các chất kali, calci, magie để hoạt động của hệ tim mạch được ổn định, nên ăn chất đạm có nguồn gốc từ cá và thực vật, ăn nhiều rau xanh, trái cây để cung cấp các chất khoáng, vitamin cần thiết.


- Ăn nhạt, không dùng các loại Snack (bim bim) mặn, không nên ăn vặt. Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần kiểm tra lại với bác sĩ để chắc chắn con mình không mắc các bệnh liên quan đến thận để tránh làm cơ thể bị mất muối. Không ăn quá 2-4g muối mỗi ngày (bao gồm cả lượng muối có trong thức ăn và nước chấm).

- Tránh các yếu tố làm tăng huyết áp như khói thuốc, các loại thuốc khác có tác dụng phụ làm tăng huyết áp, không nên cho trẻ em tivi nhiều.

- Tập thể dục thường xuyên, hỏi bác sĩ để biết bài tập nào phù hợp với thể trạng của trẻ.

0 on: "Huyết áp cao không chừa… trẻ nhỏ"