Giới chuyên gia và các nhà hoạt động bảo vệ môi trường kỳ vọng những thay đổi trong chính sách của Tòa án hình sự quốc tế (ICC) sẽ mang lại công lý cho nạn nhân trong các vụ đại án về môi trường và đất đai.
Kể từ khi được thành lập năm 2002, ICC có trụ sở ở TP.The Hague (Hà Lan) chủ yếu thụ lý các vụ án về diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác xâm lược. Tuy nhiên, AFP dẫn thông báo chính sách nội bộ mới công bố cho biết Văn phòng Công tố ICC sẽ tập trung “xem xét đáng kể” những tội ác “phá hủy môi trường, khai thác trái phép nguồn tài nguyên thiên nhiên hoặc tước đoạt quyền sở hữu đất đai”.
Điều này cho thấy thế giới ngày càng nhận thức sâu sắc hơn mức độ nghiêm trọng của tội phạm liên quan đến môi trường
Với bước tiến mới, các tập đoàn và chính trị gia giờ đây có thể phải chịu trách nhiệm trước luật pháp quốc tế cho các hành vi hủy hoại môi trường, giao đất trái phép và dùng bạo lực cưỡng chế người dân di dời. Quan trọng, các nạn nhân sẽ có thể tìm công lý thông qua hệ thống tư pháp hình sự quốc tế nếu khiếu nại của họ không được giải quyết ở tòa án quốc gia.
AFP dẫn lời chuyên gia Gillian Caldwell thuộc tổ chức phi chính phủ Global Witness (Anh) nhấn mạnh rằng với động thái của ICC “Giới chủ công nghiệp và những chính trị gia đồng lõa trong nạn dùng bạo lực chiếm đất, san bằng rừng nhiệt đới và đầu độc nguồn nước có thể sẽ sớm ra tòa ở The Hague như bọn tội phạm chiến tranh và độc tài”.
ICC được thành lập theo Quy chế Rome để khởi tố những tội ác nghiêm trọng mà các tòa án quốc gia không sẵn sàng hoặc không có khả năng thụ lý. Cho đến nay có 124 quốc gia phê chuẩn Quy chế Rome nhưng trong đó không có Việt Nam, Mỹ và Trung Quốc.
Thanhnien.vn
0 on: "Phá hoại môi trường sẽ phải ra tòa hình sự quốc tế"