Người đóng góp cho blog

Lưu trữ Blog

1/10/16

Hà Nội xem xét dùng xe đạp trong hệ thống giao thông

 

Về việc đưa xe đạp vào hệ thống giao thông Hà Nội, có người ủng hộ có người phản đối dựa vào điều kiện đường phố hiện nay. Liệu xe đạp có làn đường riêng trong tương lai.


Tại Hội thảo khuyến khích mô hình xe đạp công cộng tại Hà Nội sáng 28/9, Ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia cho biết hàng ngày ông đi làm bằng xe đạp. Ông cũng khuyến khích vợ con và nhân viên đi xe đạp.
“Tôi đi làm bằng xe đạp và thấy bình thường. Chỉ khi tôi đến các cơ quan của Chính phủ thì bị mọi người nhìn bằng ánh mắt rất lạ, nhưng không sao cả”, ông Hùng cho hay.
Theo ông Hùng, nếu xe đạp được tổ chức khoa học, kết nối hiệu quả với hệ thống vận tải hành khách công cộng như đường sắt đô thị, xe buýt sẽ góp phần giảm thiểu xe cá nhân, giảm ùn tắc và cải thiện môi trường tại các thành phố lớn.
Thực tế Hà Nội hiện nay, ông Hùng cho rằng đa số những người đi xe đạp xem đây hình thức tập thể thao, đi phượt… chứ rất ít người sử dụng làm phương tiện đi làm hàng ngày. Trong khi theo tính toán, hiện nay tại các thành phố có khoảng 40-45% số chuyến đi hoàn toàn có thể đi xe đạp ở cự ly 4km.
Ông Hùng cho rằng cần khuyến khích người dân đi xe đạp trong điều kiện các chuyến đi phù hợp. Các đối tượng cần khuyến khích trước tiên là khách du lịch, học sinh, sinh viên và công nhân.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông lại cho rằng xe đạp đi chung dòng xe máy tai nạn giao thông rất dễ xảy ra, bởi đường dành cho xe đạp quá hẹp. Nói đúng hơn xe đạp chỉ là phương tiện phụ trợ, kết nối giao thông công cộng trong tương lai.
Xe đạp chỉ phù hợp với cự ly 5km trở lại, nó tạo ra hiệu quả nếu được kết nối tốt với phương tiện công cộng. Khi hạ tầng giao thông công cộng đã hoàn thiện hơn, có tàu điện, xe buýt nhanh phát triển thì mới có thể tính tới việc sử dụng xe đạp để tham gia giao thông thường xuyên.
Đồng quan điểm, ông Vũ Hồng Trường, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội cho rằng giao thông ở Hà Nội không có đường dành cho xe đạp nên phải cân nhắc sử dụng xe đạp vào thời điểm nào, sử dụng ở đâu, nếu sử dụng ồ ạt sẽ dẫn tới ùn tắc hơn.
Theo ông Trường, chỉ nên khuyến khích đi xe đạp nhằm chuyển đổi phương thức đi từ phương tiện cá nhân sang vận tải công cộng để không làm phát sinh thêm chuyến đi không cần thiết.
Ông Hùng nói rõ, xe đạp chính là giải pháp kết nối hữu hiệu giữa các điểm trung chuyển, các bến xe, nhà ga trong thành phố. Do vậy, trong quá trình quy hoạch, phát triển hệ thống giao thông công cộng, các thành phố nên tính toán, đưa phương tiện xe đạp công cộng trở thành giải pháp kết nối giao thông, giảm phương tiện cơ giới cá nhân.
Để đề án khuyến khích xe đạp công cộng có chỗ đứng, ông Hùng cho biết, Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia đã đề nghị Sở Giao thông Vận tải Hà Nội báo cáo UBND Thành phố cho phép xe đạp đi vào các tuyến phố đi bộ, đồng thời xem xét những đoạn tuyến phố mật độ giao thông cao tốc độ không quá 30km/h thì xe đạp và các xe khác tham gia lưu thông bình thường mà không cần phải phân làn.

Xe đạp là phương tiện rẻ, không cần tới xăng dầu hay nhiên liệu nên có thể góp phần vào việc bảo vệ môi trường. Theo thời đại điện hóa, xe đạp dường như trở nên nặng nhọc và chậm chạp nên không được ưa chuộng nhưng nếu sử dụng trong những đoạn ngắn thì vô cùng tiện lợi và tiết kiệm. Tuy nhiên, việc đưa xe đạp vào hệ thống giao thông vẫn còn là vấn đề đang bàn luận và cân nhắc.

0 on: "Hà Nội xem xét dùng xe đạp trong hệ thống giao thông"