Người đóng góp cho blog

Lưu trữ Blog

7/5/16

Bom bẩn là gì và nó nguy hiểm thế nào?

 

Tập dợt chống bom bẩn ở Tokyo năm 2008 (Ảnh: Kyoshi Ota/Getty Images)

Đã có tin tức đáng lo ngại về các cá nhân liên quan đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) đã theo dõi một cơ sở nghiên cứu hạt nhân của Bỉ với động cơ thù địch. Điều này đã tạo ra những suy đoán không ngừng về tham vọng hạt nhân của nhóm này.

Vũ khí hạt nhân và bom bẩn thường được nhắc đến cùng nhau. Tuy nhiên, chúng là hai công nghệ riêng biệt. Việc hiểu được sự khác biệt giữa các loại vũ khí này và thiệt hại mà chúng gây ra có thể cung cấp cơ sở cho các suy đoán trên thực tế, và giúp chúng ta tìm ra kế hoạch mà một tổ chức khủng bố như ISIS có nhiều khả năng sẽ sử dụng trong tương lai.

Có hai loại vũ khí hạt nhân trên thực tế là bom phân hạch và bom nhiệt hạch. Bom phân hạch chứa các vật liệu phân rã phóng xạ như uranium và plutonium. Khi bị kích nổ, các phân tử bên trong lõi của của quả bom bị phân tách và giải phóng những nguồn năng lượng khổng lồ – tạo ra một vụ nổ hạt nhân. Vũ khí nhiệt hạch sử dụng một quả bom phân hạch để đốt cháy một loại nhiên liệu đặc biệt, gồm các đồng vị nhẹ của khí hydro. Những hạt này bị ép vào nhau, trải qua phản ứng tổng hợp hạt nhân, giải phóng một vụ nổ còn lớn hơn nữa.


Không có dấu hiệu cho thấy bất cứ một nhóm khủng bố nào đã có được vật liệu phân rã hạt nhân cho đến nay. Nếu họ có được những vật liệu này, thì họ có thể chế tạo một quả bom phân hạch, mặc dù việc này là cực kì khó khăn về mặt kĩ thuật. Các vũ khí kỹ thuật cao chỉ cần một vài ki-lô-gam vật liệu phân rã hạt nhân, nhưng thiết kế bom phân hạch thô sơ do quân khủng bố chế tạo sẽ cần nhiều vật liệu hơn. Còn vũ khí nhiệt hạch là quá phức tạp, nằm ngoài tầm của các nhóm khủng bố.

Lựa chọn dễ dàng hơn đối với một nhóm khủng bố là chế tạo một quả bom bẩn, hay nói về mặt kỹ thuật, là một thiết bị phát tán phóng xạ. Những thiết bị này không dựa vào các phản ứng hạt nhân phức tạp. Thay vào đó, chất nổ thông thường được sử dụng để phát tán vật liệu phóng xạ, làm ô nhiễm một khu vực bằng các nguyên tố như các đồng vị phóng xạ của cô-ban, xê-di hoặc a-mê-ri-xi.

Theo lệnh của Shamil Basayev, một thủ lĩnh ly khai người Chechen, các tay súng đã chôn một quả bom bẩn ở một công viên tại Moscow vào năm 1995. Basayev đe dọa biến Moscow thành một “hoang mạc vĩnh viễn” trừ khi những đòi hỏi của ông này được đáp ứng. Quả bom không được kích nổ. Sự kiện này là một màn kịch khủng bố công khai – đe dọa sử dụng các loại vũ khí mới lên thường dân Nga. Nhưng nó đã cho thấy rằng một nhóm khủng bố dám dấn thân có thể chế tạo và sử dụng bom bẩn.

Bom bẩn nguy hiểm như thế nào?

Mặc dù bom bẩn không tạo ra những vụ nổ thảm khốc, nhưng chúng vẫn có thể gây chết người. Các vật liệu phóng xạ tạo ra bức xạ ion hóa có thể phá hủy các mô cơ thể và tạo ra những đột biến có hại dẫn đến ung thư. Mối nguy hiểm gây ra bởi vật liệu phóng xạ phụ thuộc vào cách thức phơi nhiễm và loại bức xạ mà nó sản sinh. Bức xạ alpha chỉ nguy hiểm khi hít vào hoặc ăn vào bụng, trong khi các loại bức xạ khác như beta và gamma có thể xuyên thấu và gây tổn hại mô của con người ngay cả khi các vật liệu phóng xạ ở bên ngoài cơ thể.

Vào năm 1987, hai người đàn ông đã đánh cắp một thiết bị xạ trị từ một phòng khám ung thư bị bỏ hoang tại Goiania, Brazil, tin rằng các phần của thiết bị này có thể đem đi bán phế liệu. Thiết bị này chứa một nguồn phóng xạ xê-di đồng vị 137 được bọc rất kỹ, có thể tạo ra bức xạ gamma cường độ cao. Khi hai người đàn ông lấy nguồn phóng xạ ra khỏi hộp đựng, họ đã bị phơi nhiễm toàn thân thể với bức xạ xuyên thấu. Họ đã làm việc trong vài ngày để lấy chất xê-di ra, do bị thu hút bởi ánh sáng dịu màu xanh dương bắt mắt phát ra từ một khe hở thường được dùng để hướng thẳng tia bức xạ vào các khối u ác tính.

Bị tiêu chảy và nôn mửa do phơi nhiễm phóng xạ vô ý (mà họ cho là do ngộ độc thực phẩm), hai người đàn ông đã tặng chất xê-di cho gia đình và bạn bè làm quà. Một người cha đã đưa thứ vật liệu phát sáng này cho con gái của ông, đứa bé sau đó đã chơi với nó trong vài tiếng đồng hồ. Cô bé là một trong bốn người đã thiệt mạng do tổn thương phóng xạ một thời gian ngắn sau đó.

Hai mươi người xuất hiện hội chứng nhiễm phóng xạ cấp tính do bị phơi nhiễm. Đặc trưng của hiện tượng này là các triệu chứng về đường ruột, hỏng hệ thống miễn dịch, bất tỉnh, và tử vong. Những người tiếp xúc bằng tay với chất xê-di cũng phát triển các tổn thương phóng xạ cục bộ như phát ban đỏ (nổi mẩn đỏ trên da), phồng rộp da và lở loét, tróc da (da bị bong tróc), và hoại tử mô (tình trạng tế bào bị chết vĩnh viễn ở mô cơ thể).

Sự kiện này đã gây ra cơn hoảng loạn trên diện rộng về ô nhiễm phóng xạ ở Goiania. Khoảng 112.000 người (10 phần trăm dân số) đã tìm kiếm sự giúp đỡ, làm quá tải các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở địa phương. Chi phí khử ô nhiễm phóng xạ lên đến hàng chục triệu đô-la, các tòa nhà bị phá dỡ và lớp đất mặt bị ô nhiễm bị lấy đi. Sự sợ hãi của công chúng còn làm dấy lên một đợt tẩy chay không chính thức đối với hàng hóa sản xuất tại địa phương, các mặt hàng này bị rớt giá 40 phần trăm và ngành du lịch bị sụp đổ.

Mặc dù Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEC) gọi nó là “một trong những sự cố phóng xạ tồi tệ nhất của thế giới” nhưng chỉ có bốn người bị thiệt mạng. Tuy nhiên, tác động tâm lý lên dân chúng, việc dọn dẹp kéo dài và tình trạng đình trệ kinh tế gợi ý rằng một quả bom bẩn có thể gây ra một tác động to lớn. Về dài hạn, ô nhiễm phóng xạ phần lớn gây ra ảnh hưởng mặt xã hội. Nỗi sợ hãi tiếp xúc với ô nhiễm phóng xạ của công chúng đã dẫn đến sự phân biệt đối xử đối với những người sống sót. Tuy nhiên, tỉ lệ mắc bệnh ung thư ở Goiania vẫn tương đương với các khu vực khác của Brazil.

Giải quyết mối đe dọa

Không giống như uranium và plutonium vốn được cất giữ ở những cơ sở có an ninh cao và cực kỳ khó để quân khủng bố có thể kiếm được, nhiều loại vật liệu phóng xạ khác lại có các ứng dụng thông thường. Những ứng dụng này bao gồm thiết bị điều trị ung thư ở bệnh viện, các thiết bị chiếu xạ thực phẩm để bảo quản, kiểm soát các sinh vật gây hại và báo khói.


Thiết bị phát hiện khói sử dụng a-mê-ri-xi (Ảnh: MD111/wikimedia)

Việc các chất phóng xạ được sử dụng rộng rãi đã tạo ra một thách thức an ninh, vậy chúng ta có thể làm gì? Một phương pháp quản lý mạnh mẽ, có tính quy tắc và kiểm soát có hiệu quả việc bán và vận chuyển các nguồn phóng xạ nguy hiểm chắc chắn sẽ làm giảm nguy cơ nói trên. Các công nghệ thay thế đôi khi có thể thế chỗ các nguồn phóng xạ dùng trong y khoa. Một lựa chọn khác là cài đặt thiết bị phát hiện phóng xạ tại các bến cảng và các chỗ giao nhau ở biên giới để phát hiện việc vận chuyển trái phép vật liệu nguy hiểm.

Đối với các nhóm khủng bố, việc chế tạo bom bẩn chắc chắn là dễ dàng hơn vũ khí hạt nhân. Đây là lý do để quan ngại thay vì những suy đoán thái quá về các hoạt động gần đây của IS ở Bỉ và đặc biệt là ở Iraq và Syria. Rốt cuộc, do thiếu sự lãnh đạo có hiệu quả, hiện không rõ là ai đang kiểm soát nhiều nguồn phóng xạ trong các khu vực này.

Robert J. Downes là một nghiên cứu sinh đoạt giải MacArthur đang học ngành an ninh hạt nhân tại King’s College ở London. Bài viết này được xuất bản lần đầu tại The Conversation.

Nguồn: ĐKN
ad: da hoa cuong

0 on: "Bom bẩn là gì và nó nguy hiểm thế nào?"