Người đóng góp cho blog

Lưu trữ Blog

7/5/16

Tình cảnh khốn cùng của ngư dân: Xa bờ bị kiểm ngư TQ bắt, gần bờ bị kiểm ngư VN phạt

 

Đánh bắt xa bờ thì bị đe dọa bởi tàu kiểm ngư Trung Quốc, đánh bắt gần bờ thì bị nguy cơ từ kiểm ngư Việt Nam, ngư dân Việt thực sự đã lâm cảnh khốn cùng... (Ảnh minh họa/Internet)

Đánh bắt xa bờ thì bị đe dọa bởi tàu kiểm ngư Trung Quốc, đánh bắt gần bờ thì bị nguy cơ từ kiểm ngư Việt Nam, ngư dân Việt thực sự đã lâm cảnh khốn cùng, không biết phải kêu cứu với ai.

1. Đánh bắt xa bờ gặp tàu kiểm ngư Trung Quốc

Mỗi lần tàu cá ra khơi đánh bắt xa bờ là các ngư dân lại lo lắng bị tàu Trung Quốc tấn công dù đang đánh bắt trên vùng biển nước mình, số lượng các vụ tàu cá bị tấn công được báo chí đưa tin là quá ít so với thực tế. Có nhiều trường hợp, ngư dân bị tàu Trung Quốc bắt giam nhiều ngày tại đảo Hải Nam, nhiều người bị mất hết tài sản, bị đánh trọng thương, thậm chí mất cả mạng sống.

Các thông tin gần đây ghi nhận cho thấy, tàu Trung Quốc hễ gặp tàu cá Việt Nam là đuổi theo đâm chìm tàu. Vào ngày 10/7, Hội Nghề cá Việt Nam đã thông báo phản đối phía Trung Quốc đâm chìm tàu của ngư dân Việt Nam tại Hoàng Sa, khiến 11 thuyền viên bị rơi xuống biển giữa đêm khuya.

Mặc dù tàu cá của ngư dân Việt Nam đã phát hiện tàu Trung Quốc và cố gắng bỏ chạy, tránh né nhưng vẫn không thoát khỏi bị tàu Trung Quốc đâm chìm.

Sáng ngày 29/6/2015, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi – ông Lê Quang Thích cho biết, trong 6 tháng đầu năm, chỉ tính riêng tỉnh Quảng Ngãi có 34 tàu, 480 lượt ngư dân bị tàu nước ngoài xua đuổi uy hiếp. Trung Quốc cũng đã tấn công 23 tàu cá gây thiệt hại nặng nề cho ngư dân Quảng Ngãi. Vậy nếu tính cả nước, số vụ việc chắc chắn còn lớn hơn nhiều lần.

Mặc dù ngư dân Việt bị tàu Trung Quốc xua duổi khắp nơi trong vùng biển của đất nước mình, nhưng chưa thấy có trường hợp nào ngư dân được tàu hải quân ứng cứu khi gặp tàu Trung Quốc.

Ngư dân bị bắt ký công nhận Hoàng Sa là của Trung Quốc

Báo Người Lao Động đưa tin vào ngày 16/6, hai tàu cá của Việt Nam gồm 17 ngư dân đã bị tàu hải quân Trung Quốc áp sát bắt đưa về cảng Tam Á (thuộc Hải Nam, Trung Quốc).

Sau đó, họ bị bắt phải ký hàng trăm tờ đơn xác nhận nội dung: “Tôi chứng kiến vùng biển Đông và quần đảo Hoàng Sa là thuộc chủ quyền của Trung Quốc”. Phía Trung Quốc yêu cầu phải ký vào mới thả tàu về.

Thế nhưng các ngư dân Việt Nam cương quyết không ký, sau khi bị giam 5 ngày, 17 ngư dân cùng 1 tàu cá được thả về, còn 1 tàu bị Trung Quốc giữ lại.


Tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam bị tàu Trung Quốc đâm chìm gần Hoàng Sa, ngày 29/5/2014. (Ảnh: voatiengviet.com)

Ngư trường ở vùng biển Hoàng Sa, Trường sa đã mất

Việc tàu Trung Quốc kiểm soát rất chặt vùng biển Hoàng Sa, Trường sa khiến ngư dân Việt không còn dám cho tàu ra nơi đây đánh bắt nữa, việc đánh bắt tại vùng biển này không khác như đang đùa tính mạng mình với tử thần, vì thế mà ngư trường nơi đây đã mất

Đánh bắt xa bờ thì gặp phải kiểm ngư Trung Quốc, đánh bắt gần bờ ngư dân cũng gặp nguy hiểm bởi kiểm ngư Việt Nam.


2. Đánh bắt gần bờ gặp tàu kiểm ngư Việt Nam

Báo Lao Động ngày 6/9 đưa tin, ngư dân huyện Diễn Châu (Nghệ An) liên tục bị lực lượng kiểm ngư trong nước kiểm tra phạt hành chính, sợ đến mức thấy bóng dáng tàu kiểm ngư từ xa là chặt lưới bỏ chạy.

Rất nhiều tàu cá bị xử phạt do đánh cá sai tuyến, điển hình như ngày 14/8, có 2 tàu cá bị lực lượng kiểm ngư bắt do đánh bắt sai tuyến. Hai tàu bị xử phạt 4 triệu đồng, cộng thêm 100.000 đồng “chi phí nộp phạt”. Dù cho ngư dân khóc lóc do không đủ tiền nộp phạt, nhưng kiểm ngư nhất quyết yêu cầu phải nộp, vì thế người dân phải chạy vạy đi vay để có nộp phạt.

Tàu cá số hiệu 2084 của ông Hồ Văn Thắng (xã Diễn Ngọc) cũng bị kiểm ngư bắt giữ vì đánh bắt sai tuyến. Do ông Thắng bị ốm nên con rể là Vũ Văn Đức đi thay. Anh Đức kể lại trên báo Lao Động rằng: “Lúc đó, tàu hỏng máy nên đi vào bờ, bị kiểm ngư bắt đưa về đồn biên phòng. Vào đến nơi, cán bộ lập biên bản xé đến 3 lần vì sai sót gì đó. Sau bọn em phải đi vay nộp phạt cho họ 6 triệu đồng mới được thả”.

Có những ngư dân bị phạt đến 2,3 lần, mỗi lần hơn 2 triệu đồng. Tàu cá 2958 của anh Đặng Vinh (xã Diễn Ngọc) bị kiểm ngư bắt tại lạch Lò (Cửa Lò), bị phạt 7 triệu đồng. “Lúc đó, trên tàu có lượng hải sản mới đánh bắt trị giá khoảng 5 triệu đồng, em van xin cho đưa đi bán để lấy tiền nộp, nhưng họ không chấp nhận. Đến khi chạy được tiền thì cá đã ươn hết. Tính ra nhà em mất hơn chục triệu đồng. Em van lạy họ cũng không cho”, chị Nguyễn Thị Vân – vợ anh Vinh bức xúc nói với báo Lao Động.

Anh Vũ Văn Đức nói: “Bọn em bây giờ thấy bóng tàu kiểm ngư là hết hồn luôn, kéo nhau bỏ chạy. Nhiều tàu chặt bỏ cả lưới để chạy”.

Vì sao ngư dân phải đánh bắt sai tuyến?

Theo quy định, các tàu cá công suất lớn không được đánh bắt ven bờ, mà phải đánh bắt xa bờ. Thế nhưng ngư dân chọn đánh bắt xa bờ thì nguy hiểm rình rập thường trực, bởi tàu Trung Quốc kiểm soát rất gắt gao, gặp tàu Trung Quốc không khác nào gặp phải tử thần, vì thế ít tàu nào đánh bắt xa bờ mà phải chọn đánh bắt gần bờ.

Nhưng đánh bắt gần bờ lại bị xem là sai tuyến, và bị kiểm ngư trong nước phạt nặng.

Ông Trần Đăng Tuấn – Phó Chi cục Bảo vệ và khai thác nguồn lợi thủy sản tỉnh Nghệ An cho báo Lao Động biết: 7 tháng đầu năm nay, lực lượng này đã kiểm tra, phát hiện 351 lượt tàu cá vi phạm, nhắc nhở 266 trường hợp, xử phạt 85 trường hợp với số tiền hơn 320 triệu đồng.

3. Nghịch lý nơi vùng biển Việt Nam

Thật là nghịch lý khi mà lực lượng kiểm ngư không thể bảo vệ được ngư dân khi đánh bắt xa bờ, khiến người dân bị tàu Trung Quốc đập phá, đâm chìm tàu, nên phải đánh bắt gần bờ, thì lại bị kiểm ngư trong nước phạt nặng, khiến người dân không biết xoay xở thế nào.

Các tàu tuần tra biển thay vì phải theo bảo vệ ngư dân, thì lại chỉ tuần tra giả ‘trên giấy’ để lấy hàng tỷ đồng tiền xăng dầu chia nhau. Báo Lao Động đã có bài viết về vụ việc này.

Qua kết quả xác minh của Bộ Tư lệnh Biên phòng tỉnh Quảng Trị năm 2013 và 2014 cho thấy, có 11 kế hoạch tuần tra giám sát nghề cá trên biển được lập khống với tổng số tiền đã được quyết toán gần 1,9 tỉ đồng, trong đó riêng nhiên liệu gần 1,750 tỉ đồng và tiền ăn thêm đi biển + phụ cấp đặc biệt là 91,4 triệu đồng.

Tuy nhiên, một viên chức công tác trên các tàu được quyết toán khống này khẳng định rằng, trên thực tế số lượng tàu tuần tra được quyết toán khống còn lớn hơn nhiều.

Mặt khác, Hải quân Việt Nam được xem là được trang bị nhiều vũ khí hiện đại gồm tàu hộ vệ tên lửa, tàu ngầm của Nga và Hà Lan. Việt Nam cũng có thể đóng được các tàu hiện nhất khu vực, ví như tàu cảnh sát biển HQ8001 được xem là hiện đại nhất Đông Nam Á.

Tàu cảnh sát biển Việt Nam. (Ảnh: Internet)

Việt Nam cũng nhận được viện trợ hàng chục tàu tuần tra hiện đại từ Nhật Bản và Mỹ để bảo vệ ngư dân.

Câu hỏi đặt ra ở đây là: Hải Quân được trang bị nhiều vũ khí như thế để làm gì?

Ngọn Hải Đăng
ad: tam chong am khoi

0 on: "Tình cảnh khốn cùng của ngư dân: Xa bờ bị kiểm ngư TQ bắt, gần bờ bị kiểm ngư VN phạt"