Say nắng là hiện tượng hay gặp trong mùa hè với các biểu hiện như hoa mắt, chóng mặt, nhức đầu thậm chí là bị bất tỉnh. Nếu không xử lý kịp thời có thể dẫn đến đột quỵ, nguy hiểm đến tính mạng.
Bác sĩ Lương Quốc Chính - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai thông tin: Say nắng là tình trạng tăng thân nhiệt quá mức, thường trên 40 độ C, hay xảy ra đối với người già, trẻ em, những người lao động, luyện tập với cường độ cao hoặc bị "phơi nắng" quá lâu.
Người bị say nắng thường có các biểu hiện như sốt cao, da nóng và khô, mệt mỏi, đau đầu, nôn mửa... Một số triệu chứng khác có thể xảy ra như giảm khả năng nhận thức, bị ảo giác, mất định hướng và hôn mê, co giật.
Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bị say nắng dễ mắc các biến chứng nghiêm trọng như phù phổi, suy thận cấp, hạ đường huyết, rối loạn đông máu, mất trí nhớ…
Do vậy, theo BS Lương Quốc Chính, khi gặp người bị say nắng cần chuyển ngay nạn nhân vào chỗ thoáng, mát, cởi bỏ bớt quần áo trên người và cho uống bổ sung nước mát. Bên cạnh đó, có thể làm hạ thân nhiệt của bệnh nhân bằng cách chườm nước mát lên cơ thể người bệnh đặc biệt là vùng cổ, mách và bẹn.
Trong trường hợp người bệnh bị bất tỉnh không uống được nước kèm theo sốt cao, khó thở thì phải nhanh chóng chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử lý kịp thời.
Để đề phòng tình trạng bị say nắng trong tiết trời nắng nóng, oi bức, cần tuân thủ một số việc làm sau:
- Tránh ra ngoài trời vào những giờ nắng nhất (thường từ 12 giờ trưa đến khoảng 3 giờ chiều).
- Nếu phải làm việc ngoài trời, tốt nhất nên có thời gian nghỉ giải lao, tránh trường hợp làm việc liên tục, quá sức dưới nền nhiệt cao. Có thể sau 1 tiếng làm việc, nghỉ ngơi khoảng 5-10 phút để hạ bớt thân nhiệt, sau đó tiếp tục công việc.
- Lựa chọn trang phục khi làm việc dưới trời nắng nóng cũng là việc rất cần thiết. Nên đội mũ và mặc quần áo dài, tránh ánh nắng tiếp xúc trực tiếp lên cơ thể. Tuy nhiên, cần lưu ý, quần áo không được quá chật vì sẽ cản trở quá trình toả nhiệt của cơ thể. Tốt nhất, nên mặc quần áo được may bằng chất liệu cotton, lanh và chọn các màu sáng vì màu tối, đặc biệt là màu đen thường dễ “bắt nắng” hơn, tăng nguy cơ hấp thụ nhiệt vào bên trong cơ thể.
- Uống nhiều nước là giải pháp hạn chế tối đa việc mất nước của cơ thể. Do vậy, phải uống ít nhất 2 lít nước/ngày và có thể nhiều hơn trong những ngày nắng nóng, oi bức. Không chỉ đơn thuần uống nước lọc mà còn là nước ép hoa quả, nước ép rau xanh và tăng cường các loại trái cây để bổ sung vitamin cho cơ thể.
- Thường xuyên vận động, tập luyện để tăng cường sức khỏe giúp cơ thể chống chọi với sự "khắc nghiệt" của thời tiết.
Một số loại nước uống giúp phòng tránh say nắng:
Theo tư vấn của PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, trong tiết trời nắng nóng, để đề phòng bị say nắng, nên uống bổ sung một số loại nước uống như:
- Nước dừa: là loại nước uống rất giàu clorua, kali, magie, vitamin A, E, đồng thời chứa một lượng muối, đường, protein hợp lý nên rất hữu hiệu trong việc thay thế nước điện giải khi bị tiêu chảy, người làm việc trong nhiệt độ cao, tập thể thao mất sức…
- Nước dưa hấu: cung cấp cho cơ thể một lượng nước khá lớn và các vitamin A, B, C và các nguyên tố vi lượng như Fe, Ca, Mg... vì vậy, có tác dụng thanh nhiệt, dùng cho các trường hợp say nắng, mất nước…
- Nước cam: giàu vitamin C, là thức uống rất tốt trong mùa hè, giúp cơ thể tăng hệ miễn dịch, phòng chống say nắng hiệu quả.
- Bột sắn dây: giúp cơ thể thanh nhiệt, giải độc. Đặc biệt, trong sắn dây có chất isoflavon giúp tăng lượng máu lên não, làm giảm huyết áp.
- Trà xanh: chứa nhiều hàm lượng Epigallocatechin Gallate (EGCG), là chất chống ôxy hóa, giúp giảm mệt mỏi, căng thẳng khi làm việc ở cường độ cao và làm mát da, giúp giải nhiệt tốt.
- Rau má: có vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu. Có thể nấu canh hoặc ép lấy nước uống.
ad: dich vu sua nha
0 on: "Mùa hè oi bức, làm gì để tránh bị say nắng?"